Nhiều hành lang sơ tán thường dân tiếp tục được mở tại Ukraine

Người dân Ukraine sơ tán tránh xung đột. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin TASS của Nga, các nhà chức trách Ukraine có kế hoạch sơ tán dân thường trong ngày 16/4 dọc theo 9 hành lang nhân đạo đã được thống nhất.

Trong một tuyên bố, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo 9 hành lang nhân đạo đã được nhất trí mở cho dân thường rời khỏi nhiều khu vực tại nước này, trong đó có hành lang dành cho những người đi sơ tán bằng ôtô cá nhân từ thành phố cảng Mariupol.

5 trong số các hành lang sơ tán là từ khu vực Luhansk thuộc miền Đông Ukraine. Các hành lang nhân đạo sẽ được mở từ Mariupol, Berdyansk, Tokmak, Energodar đến Zaporozhye và từ Severodonetsk, Lysychansk, Popasnaya, Gorny và Rubizhny đến Bakhmut.

Trong khi đó, hãng tin Reuters của Anh dẫn truyền thông địa phương đưa tin một số tiếng nổ lớn đã được nghe thấy vào rạng sáng 16/4 ở thủ đô Kiev của Ukraine cũng như ở thành phố Lvov ở miền Tây nước này. Tuy nhiên, hiện chưa có xác nhận chính thức về các vụ nổ này.

Trong diễn biến khác, hãng tin Reuters (Anh) dẫn các nguồn thạo tin ngày 15/4 cho biết Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cùng các quan chức tài chính hàng đầu nước này sẽ đến Washington (Mỹ) trong tuần tới để tham dự các hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo nguồn tin, trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Shmyhal cùng Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko và Thống đốc ngân hàng trung ương Ukraine Kyrylo Shevchenko dự kiến gặp song phương với các quan chức tài chính của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và tham dự một hội nghị bàn tròn về Ukraine do WB chủ trì ngày 21/4.

Đây sẽ là lần đầu tiên các quan chức hàng đầu Ukraine gặp trực tiếp một loạt quan chức tài chính các nền kinh tế lớn kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này vào ngày 24/2 vừa qua.

Trước đó cùng ngày 15/4, Thủ tướng Denys Shmygal thông báo Ukraine sẽ tiếp nhận 13 tỉ yen (tương đương gần 103 triệu USD) viện trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản, đồng thời ký thỏa thuận về việc tiếp nhận 500 triệu CAD (khoảng 396 triệu USD) hỗ trợ từ Canada.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Shmygal nêu rõ "những khoản tài chính này sẽ được dành để đảm bảo các nhu cầu chính yếu của Ukraine và chính phủ đang tiến hành các cuộc đàm phán ở tất cả các cấp với bất cứ đối tác nào sẵn lòng giúp đỡ".

Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này và 5 quốc gia Trung Á ngày 15/4 đã cam kết liên lạc chặt chẽ về việc ứng phó với tình hình xung đột tại Ukraine. Trong cuộc hội đàm trực tuyến với các bộ trưởng và quan chức của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các quan chức khác tham dự sự kiện này gồm có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Đầu tư và Ngoại thương Uzbekistan Sardor Umurzakov, Ngoại trưởng Kyrgyzstan Ruslan Kazakbaev, Ngoại trưởng Tajikistan Sirojiddin Muhriddin, Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Adil Tursunov và Thứ trưởng Ngoại giao Turkmenistan Vepa Hajiyev.

Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với 5 nước Trung Á sau khi những nước này tách khỏi Liên Xô trước đây. Ngoại trưởng Nhật Bản dự định thăm Kazakhstan và Uzbekistan vào cuối tháng 4 này.

Cùng ngày 15/4, Bộ Tài chính Đức cho biết nước này đã chi gần 3 tỉ euro (3,2 tỉ USD) để thuê các trạm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi ở ngoài khơi, nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng: "Sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga phải được cắt giảm một cách nhanh chóng và bền vững”, và các trạm LNG nổi sẽ có đóng góp quan trọng cho việc này. Bộ Tài chính Đức cho biết đã dành ra tổng cộng 2,94 tỉ euro đề thuê các công ty vận chuyển LNG lớn này.

Châu Âu, đặc biệt là Đức, đang phải dựa vào LNG để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Ba nước cung cấp LNG lớn nhất là Úc, Qatar và Mỹ. Được hóa lỏng để chiếm ít thể tích hơn, LNG sẽ được chuyển trở lại về dạng khí khi đến nơi phân phối.

Các trạm nổi, hay còn gọi là kho nổi chứa và tái hóa khí (FSRU – Floating Storage Regasification Unit), sẽ chuyển LNG được vận chuyển bằng các tàu chở dầu thành khí đốt và đưa chúng vào mạng lưới đường ống dẫn.

Trong những năm gần đây, Đức đã nhập khẩu trung bình 55% lượng khí đốt cần thiết từ Nga thông qua các đường ống trên đất liền. Tỉ trọng này đã được giảm xuống còn 40% vào cuối quý I năm nay, khi Đức tăng cường nhập khẩu từ Hà Lan, Na Uy.

Khác với nhiều nước châu Âu khác, Đức không có trạm chứa và tái hóa khí nào trên đất liền để xử lý khí hóa lỏng nhập khẩu. Hiện tại, Đức vẫn phải dựa vào các trạm ở các nước châu Âu khác và điều này đang hạn chế khả năng nhập khẩu của nước này.

Theo truyền thông Đức, chính phủ nước này đang xem xét hợp tác với các đối tác tư nhân để thuê ba đến bốn tàu đặt ở các cảng ở vùng Biển Bắc hoặc Biển Baltic để phục vụ mục đích này. Một số cơ sở vật chất trong số này có thể đi vào vận hành vào mùa đông tới.

Chính phủ Đức cho rằng nước này không thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga trước giữa năm 2024

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/273376/nhieu-hanh-lang-so-tan-thuong-dan-tiep-tuc-duoc-mo-tai-ukraine.html