Nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Tại hội thảo 'Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số', các chuyên gia đã cho rằng cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật rất nhiều nhờ có công nghệ hiện đại.

Sáng 24/11, Hội thảo "Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với Chuyển đổi số" do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam và Công ty TCP Việt Nam phối hợp đã diễn ra.

Chương trình nằm trong khuôn khổ chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2023. Đây là một hoạt động quan trọng để các gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu đại diện cho cộng đồng người khuyết tật trẻ cùng chia sẻ câu chuyện về những khó khăn mà các bạn đã và đang gặp phải trong quá trình khởi nghiệp;

Tìm kiếm việc làm và cùng các đại biểu khách mời đưa ra những giải pháp để các thanh niên khuyết tật có những công cụ số để hòa nhập cộng đồng và phát huy khả năng, sự cống hiến của mình cho xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, người khuyết tật có nhiều cơ hội khởi nghiệp, việc làm hơn nhờ có công nghệ hiện đại

Nhiều thông tin, giải pháp về khởi nghiệp số, những kỹ năng cần có khi khởi nghiệp, nhất là với những thanh niên khuyết tật đã được chia sẻ tại hội thảo. Chị Nguyễn Thị Vân, chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống chia sẻ: Trung tâm đã đào tạo miễn phí cho hơn gần 2.000 học viên, hằng năm đã hỗ trợ việc làm cho 60 - 70 người khuyết tật suốt 20 năm qua. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam có đến 6,2 triệu người khuyết tật nhưng trong số đó rất ít người có công ăn việc làm với thu nhập ổn định.

Điều này đã thôi thúc chị cùng đội ngũ của Trung tâm Nghị lực sống luôn nỗ lực giúp đỡ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế hòa nhập toàn diện vào cộng đồng. Chị mong muốn giúp người khuyết tật được tự tin khi ra đường, được tiếp cận với giáo dục và sau đó đi làm, tự kiếm thu nhập nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, từ gia đình hay nguồn hỗ trợ từ thiện...

Bản thân bị khuyết tật vận động, anh Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ quảng cáo B-ONE – một trong 35 gương được tuyên dương tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" cũng đã từng khó khăn khi xin việc.

Năm 2016, anh thành lập công ty về thiết kế đồ họa, tự chủ phát triển kinh tế và đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh. Hiện nay, kênh Tiktok của công ty có hàng chục ngàn người theo dõi. Dương Đình Bảo rất muốn kết nối và nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành khác, để tạo nghề cho người khuyết tật, cũng như những người yêu thích đồ họa.

Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, những ngành như lập trình, thiết kế đồ họa là lĩnh vực nổi trội và được các nhà tuyển dụng săn đón. Điều đó có nghĩa người khuyết tật có trình độ, chuyên môn ở các lĩnh vực trên sẽ cơ hội có việc làm là khá cao.

Ưu điểm của công việc trong lĩnh vực lập trình, thiết kế đồ họa là đề cao sản phẩm, thành phẩm mà không quan trọng đến khiếm khuyết cơ thể hay vấn đề sức khỏe kém. Ngoài ra những công việc như chăm sóc khách hàng, chăm sóc fanpage, hỗ trợ trên các sàn giao dịch điện tử cũng ngày càng phổ biến và đa dạng hơn…

"Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật. Hai bên cùng có sự trao đổi sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Các trung tâm việc làm có thể tổ chức các chương trình như triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, Ngày hội việc làm... mở ra môi trường để cả người khuyết tật cũng như doanh nghiệp hiểu rõ về nhau hơn", bà Thụy gợi mở.

H.My

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhieu-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-172231124151346819.htm