Nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè có được nghỉ bù?

Độc giả hỏi về chế độ nghỉ bù khi thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Tôi là giáo viên THCS được 20 năm. Tôi sinh con vào tháng 6 nên thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè. Xin hỏi, tôi có được nghỉ bù thời gian nghỉ hè hay không, thời gian nghỉ của tôi được tính như thế nào (vuthu***@gmail.com)

* Trả lời:

Theo hướng dẫn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/8/2017, trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Bộ luật Lao động.

Do đó, trường hợp của bạn, nếu thời gian nghỉ chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè, thì không được nghỉ bù thời gian nghỉ hè mà chỉ được bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113, Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2019.

Cụ thể, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường. 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Cứ đủ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 1 ngày.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Email: bandocgdtd@gmail.com

GD&TĐ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghi-thai-san-trung-voi-thoi-gian-nghi-he-co-duoc-nghi-bu-post684130.html