Nhiều bất cập trong quá trình phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), một số dự án có quy mô từ 10 ha trở lên có tỷ lệ bố trí đất ở nhà ở xã hội chưa đạt nguyên tắc dành bình quân 25% diện tích đất ở, đơn cử như Dự án Khu dân cư và Công viên Phước Thiện; Dự án Khu dân cư Hoàng Nam,...

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận kiểm toán chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM năm 2020.

Theo kết luận kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh năm 2020 chưa đạt mục tiêu đề ra, chỉ hoàn thành gần 13.900 căn hộ, đạt 69% so với kế hoạch.

Một dự án nhà ở xã hội. (Ảnh: Minh họa)

Theo KTNN, TP.HCM lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án nhà ở xã hội khi chưa có trong kế hoạch. Trong đó, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã gồm 9 dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2014 trở về trước và xây dựng hoàn xong năm 2017. Chưa kể, 22 dự án đã được chấp thuận đầu tư trước khi có Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2025.

Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn quận 9, 12 và Bình Tân, được KTNN chỉ rõ là không xác định cụ thể vị trí khu vực để phát triển nhà ở xã hội.

Một số dự án tại TP.HCM được hoán đổi 20% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội bằng một khu đất khác không có trong quy định như Khu dân cư và công viên Phước Thiện, Khu dân cư Hoàng Nam ở phường An Lạc quận Bình Tân.

Đặc biệt, KTNN nhấn mạnh: Có 5 dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, phát hiện 85 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có dấu hiệu đã có nhà ở tại thời điểm được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; 64 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có giao dịch ủy quyền về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó còn nhiều trường hợp sở hữu đất đai nhưng chưa có hồ sơ chứng minh có nhà trên đất nên đoàn chưa đánh giá.

KTNN cho biết thêm, việc bắt buộc dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha là không phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Theo KTNN, việc lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán chưa chính xác về khối lượng, đơn giá, chưa xác định rõ diện tích chung, riêng, phương án tài chính còn sai sót làm ảnh hưởng giá bán, cho thuê.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy một số tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách như chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội.

Cụ thể, cơ chế ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP còn chưa thống nhất với Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cho đến nay, TP.HCM cũng như một số địa phương vẫn chưa có hướng dẫn, quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% vào ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-bat-cap-trong-qua-trinh-phat-trien-nha-o-xa-hoi-tai-tphcm-post150901.html