Nhật Bản quyết tâm 'phục thù'

Nhật Bản đang tìm cách 'phục thù' sau những thất bại về tham vọng không gian của mình, bằng nỗ lực hạ cánh một tàu đổ bộ thông minh hạng nhẹ SLIM lên bề mặt Mặt trăng vào sáng sớm ngày 20/1.

Hình minh họa tàu đổ bộ thông minh khám phá Mặt trăng (SLIM) ở một vị trí có thể có trên Mặt trăng. Nguồn: JAXA

Cuối năm 2022, Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã mất liên lạc với tàu đổ bộ lên Mặt trăng, trong khi Ispace Inc. có trụ sở tại Tokyo cũng gặp sự cố liên lạc với một tàu đổ bộ lên Mặt trăng hồi tháng 4 năm ngoái.

Việc bị bỏ lại trong cuộc đua không gian đang ngày một nóng là một điểm nhức nhối đối với Nhật Bản - quốc gia đã từng đánh bại đối thủ truyền kiếp Trung Quốc trong việc phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970.

Lần lượt vào các năm 2019 và 2021, Trung Quốc đã hạ cánh thành công ở phía xa của Mặt trăng và hạ cánh xuống Sao Hỏa. Ấn Độ cũng đã làm lu mờ Nhật Bản khi thành công trong nỗ lực thứ 2 để hạ cánh gần cực Nam Mặt trăng vào tháng 8 năm ngoái.

Trong khi người Mỹ và Liên Xô gửi tàu vũ trụ lên Mặt trăng trong Chiến tranh Lạnh, thì Mỹ và Nga hiện tại lại gặp khó khăn trong nỗ lực quay trở lại: tàu Luna-25 của Nga đã bị rơi tự do vào tháng 8 năm ngoái, và một sứ mệnh do NASA hậu thuẫn ở Pittsburgh đã thất bại trong tháng này.

Được thiết kế để hạ cánh trong phạm vi 100m so với mục tiêu, SLIM được kỳ vọng "sẽ khởi đầu một kỷ nguyên mới của nhiệm vụ khám phá Mặt trăng, bằng cách cho phép hạ cánh ở nơi chúng ta muốn hạ cánh, thay vì nơi chúng ta phải đến" - Giám đốc JAXA Hiroshi Yamakawa nói vào tháng trước.

Takeshi Hakamada, người sáng lập và giám đốc điều hành Ispace, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/1 rằng tiềm năng SLIM nhắm mục tiêu vào các địa điểm hạ cánh cụ thể hơn cũng sẽ hỗ trợ những nỗ lực trong tương lai nhằm khám phá các tài nguyên như nước, và có khả năng làm hỗ trợ tốt hơn cho các sứ mệnh Mặt trăng.

Các công ty lớn của Nhật Bản cũng đã tham gia nỗ lực xây dựng sức ảnh hưởng trong lĩnh vực không gian của đất nước. Toyota Motor Corp. là đối tác của JAXA trong việc phát triển xe thám hiểm Mặt trăng, trong khi Honda Motor Co. đang hợp tác với cơ quan này để thiết kế một hệ thống sản xuất oxy, hydro và điện trên Mặt trăng. Danh sách đối tác doanh nghiệp của Ispace bao gồm Japan Airlines Co., Mitsui Sumitomo Insurance Co. và Citizen Watch Co.

Nếu thành công, sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng lần nay được cho sẽ cải thiện vị thế của JAXA, khi Chính phủ Tokyo hoàn tất kế hoạch cấp cho cơ quan này khoản tiền trị giá 1 nghìn tỷ Yên (6,8 tỷ USD) trong 10 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu vũ trụ.

Luigi Scatteia, lãnh đạo bộ phận thực hành không gian toàn cầu của PwC Advisory, nhận định: "Tại Nhật Bản, có sự đồng thuận mạnh mẽ rằng một nền kinh tế Mặt trăng lớn sẽ phát triển trong những thập kỷ tới. Đất nước muốn trở thành một trong những quốc gia tiên phong khai thác điều đó".

Trước mắt, Nhật Bản cần JAXA đóng vai trò an ninh lớn hơn trong không gian và đầu tháng Một, cơ quan này đã mở rộng thêm mạng lưới các vệ tinh do thám của quốc gia. Chính phủ Tokyo muốn tăng quy mô hạm đội quỹ đạo của nước này để theo kịp các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc - quốc gia chỉ đứng sau Mỹ về số lượng vệ tinh do thám trên quỹ đạo.

"Chắc chắn đang có một cuộc chạy đua về công nghệ vũ trụ" - Saadia Pekkanen, giám đốc Chương trình Chính sách, Dữ liệu và Luật Không gian tại Đại học Washington (Mỹ), nói với Nikkei Asia - "Đối với Nhật Bản, những thực tế này đồng nghĩa với việc tăng cường hơn nữa khả năng giám sát và liên lạc trên không gian cho mục đích quân sự".

JAXA dự kiến sẽ phát trực tiếp cuộc đổ bộ của SLIM trên kênh YouTube của mình, và tàu dự kiến sẽ chạm xuống bề mặt mặt trăng ngay sau 12:00 sáng thứ Bảy theo giờ Tokyo.

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhat-ban-quyet-tam-phuc-thu.html