Nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Trong những năm qua, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra. Trước thực trạng đó, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Đây là mô hình mang lại 'lợi ích kép', vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học giúp giảm mùi hôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh - Ảnh: L.A

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, năm 2021, bà Đào Thị Thắm ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng đã quyết định áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) cho đàn lợn trong trang trại của gia đình. Theo bà Thắm, áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH là phải tuân thủ các quy định như con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch của nơi bán, khi mới mua về phải được nuôi ở một chuồng hoàn toàn riêng biệt, có chế độ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý. Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, sát trùng theo định kỳ.

Người ra vào chuồng trại phải thực hiện sát khuẩn để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào trang trại. Điểm mới của mô hình là để xử lý chất thải, nền chuồng được phủ bằng đệm lót sinh học gồm mùn cưa, trấu, bột ngô, rỉ mật đường và chế phẩm vi sinh nên toàn bộ chất thải của lợn đều được vi sinh phân hủy, không thải ra môi trường bên ngoài như nuôi theo cách thông thường. Đồng thời trong quá trình nuôi, bà sử dụng thức ăn được phối trộn từ các nguyên liệu thông dụng như bột ngô, cám gạo, khô dầu đậu tương, bột cá… và ủ lên men trong 36 - 48 giờ nên vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.

Ngoài ra, bà còn bổ sung các loại cây cỏ thảo dược tự nhiên ủ men vi sinh như cây xuyến chi, cây cam thảo đất, lá ổi, lá cây khuynh diệp, cây an xoa, lá chè…; định kỳ cho uống dịch tỏi lên men để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho đàn lợn. Bà Thắm cho biết, qua so sánh thì cùng thời gian nuôi, chi phí thức ăn giảm khoảng 1/3 so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp mà trọng lượng lợn vẫn không hề thua kém. Đặc biệt, mùi hôi do chất thải của lợn được giảm đến 80 - 90%. “Chỉ cần 2 - 3 ngày lại đảo đệm lót một lần là toàn bộ chất thải của lợn đều được vi sinh phân hủy”, bà Thắm cho hay.

Tại huyện Cam Lộ, là hộ gia đình có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi gà, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, chị Trương Thị Thanh Tâm ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính luôn coi trọng vấn đề ATSH cho trang trại của mình. Hệ thống chuồng trại của chị Tâm được xây dựng khép kín, cách xa khu dân cư. Người và phương tiện ra vào chuồng trại phải thực hiện sát khuẩn để loại bỏ nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào. Nền chuồng được phủ bằng đệm lót sinh học làm từ trấu và men vi sinh để xử lý phân gà, hạn chế mùi hôi. Thực hiện tiêm vắc xin đúng quy định; vệ sinh máng ăn, máng uống mỗi ngày và sát trùng, vệ sinh chuồng trại hằng tuần; nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh. Trước khi xuất bán 1 tháng đàn gà được sử dụng thức ăn phối trộn từ bột ngô, cám gạo… ủ lên men, không để tồn dư lượng thức ăn công nghiệp.

Chị Tâm cho biết: “Có thể thấy rõ hiệu quả trong việc chăn nuôi theo hướng ATSH như tỉ lệ gà nuôi sống đạt trên 98%, chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, an toàn trước dịch bệnh, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng lên. Với quy mô trang trại gần 1 ha, gồm 3 chuồng nuôi riêng biệt, hiện tại mỗi tháng tôi xuất chuồng từ 1.500 - 2.000 con gà thịt, mang lại lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn gia cầm, hiện nay hầu hết các hộ chăn nuôi gà lớn trên địa bàn xã đều đã áp dụng phương pháp chăn nuôi ATSH”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Đào Văn An, ATSH trong chăn nuôi là các biện pháp trong đó bao gồm cả kỹ thuật và cách quản lý đàn vật nuôi nhằm phòng ngừa và hạn chế sự lây lan của các yếu tố sinh học có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc do con người tạo ra, gây hại đến sức khỏe, an toàn của con người, vật nuôi và môi trường xung quanh. Để phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, Chi cục CN&TY đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các quy tắc trong chăn nuôi ATSH như khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác; hạn chế ra vào khu vực chăn nuôi; trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng.

Thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ. Con giống phải có nguồn gốc, giấy kiểm định chất lượng, trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định...

Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tập huấn cho các hộ chăn nuôi về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ATSH; cử cán bộ chuyên môn đến các hộ dân để trực tiếp hướng dẫn thực hiện các quy trình chăn nuôi theo hướng ATSH. “Theo chia sẻ của các hộ chăn nuôi, phương pháp chăn nuôi ATSH mang lại nhiều lợi ích rõ rệt như giảm tỉ lệ dịch bệnh nhờ những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường… Từ đó hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, giúp đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi”, ông An cho hay.

Ông Đào Văn An thông tin thêm, năm 2021 toàn tỉnh đã có hơn 2.800 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục; dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra ở 847 hộ tại 201 thôn, 70 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số bị bệnh, chết buộc chôn hủy hơn 5.500 con lợn các loại. Bệnh cúm gia cầm xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại các xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng; tổng số gia cầm bệnh, chết, tiêu hủy gần 10.800 con. Tuy nhiên, trong khi dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho hàng ngàn hộ chăn nuôi thì những trang trại, gia trại, nông hộ bảo đảm các điều kiện chăn nuôi ATSH lại ít chịu ảnh hưởng trước dịch bệnh.

Do vậy, trong thời gian tới, Chi cục CN&TY sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ATSH cho người chăn nuôi. Xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi ATSH theo chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững. “Mô hình chăn nuôi ATSH đóng vai trò rất quan trọng, là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Do vậy, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, các trang trại, gia trại cần đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi khép kín, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh. Đối với các nông hộ cũng cần chú trọng đến nguồn giống, thức ăn, thuốc thú y, thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng nuôi, đảm bảo các điều kiện để đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt”, ông An nhấn mạnh.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=165108&title=nhan-rong-mo-hinh-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc