Nhấn mạnh đột phá về hạ tầng trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030

Trong Quy hoạch Thủ đô, TP Hà Nội nhấn mạnh hơn đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư tuyến đường sắt đô thị, xây dựng hệ thống cầu vượt sông để phát triển mạnh về phía Bắc sông Hồng…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại hội nghị

Chiều 27/3, tiếp tục chương trình làm việc Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tại hội nghị chuyên đề, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo giải trình về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng kết nối giữa Hà Nội với các địa phương

Về quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử, thấy rõ được tính đặc thù, làm cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống trong phát triển Thủ đô. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của văn hóa, con người, quan điểm phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa vào 3 chuyển đổi: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, trong quy hoạch cũng nhấn mạnh hơn đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt việc đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị, xây dựng hệ thống cầu vượt sông để phát triển mạnh về phía Bắc sông Hồng, nghiên cứu, xây dựng sân bay quốc tế thứ hai vùng Thủ đô về phía Nam đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc. Phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, tạo bước chuyển nhanh trong tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

Sắp xếp, phân bổ các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm kéo gần khoảng cách kết nối giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước, với các cửa khẩu, các khu kinh tế, các cảng biển dọc theo các tuyến Hành lang Bắc – Nam, Đông Tây.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trong đó, kết nối về phát triển chuỗi liên kết công nghiệp, kết nối phát triển du lịch; kết nối trong nông nghiệp, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao về khoa học công nghệ, nhà ở, giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân…

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là dịch vụ - thương mại, công nghiệp giá trị cao, đầu tư phát triển các Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ sinh học, công nghiệp sinh thái, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, giúp Hà Nội thực hiện vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của Vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc. Ứng dụng công nghệ số để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Đặc biệt, xác định các giải pháp thực hiện quy hoạch, trong đó nhấn mạnh giải pháp về thể chế, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, đặc thù huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Phát triển đô thị hài hòa với nông thôn

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu làm rõ phương án quy hoạch phát triển sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Đây chính là động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới, trong quy hoạch cũng đã xác định rõ, với mô hình phát triển thành phố hai bên sông.

Cùng với đó, làm rõ hơn các nội dung về phát triển đô thị hài hòa với nông thôn, hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, các đô thị vệ tinh. Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô. Nghiên cứu, hình thành các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù: mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), đô thị đại học, đô thị sân bay, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, “đô thị 15 phút”…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, đối với khu vực nông thôn, hướng đến xây dựng các khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị với các tiêu chí phù hợp theo hướng tiêu chí đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Xác định một số việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay như ưu tiên thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ; xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

“Ban Cán sự Đảng UBND TP xin tiếp thu toàn bộ ý kiến các đại biểu để chỉ đạo cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ trình HĐND TP tại Kỳ họp lần thứ 15. Đồng thời, UBND TP đang giao cơ quan lập Quy hoạch phối hợp với Bộ KH&ĐT để thực hiện các quy trình, thủ tục trình xin ý kiến Quốc hội. Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP đang dự thảo các nội dung để báo cáo Bộ Chính trị vào đầu tháng 5/2024” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nói.

Thanh Hải - Thủy Tiên - Trần Long

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhan-manh-dot-pha-ve-ha-tang-trong-quy-hoach-thu-do-thoi-ky-2021-2030.html