Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào EU tác động mạnh tới doanh nghiệp Việt

Từ 3/6/2024, các DN logistics, chuyển phát nhanh, giao nhận vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt… liên quan tới hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào EU phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào hệ thống ICS2 của Liên minh Hải quan EU.

Hệ thống kiểm soát nhập khẩu vào EU (ICS2) sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của DN Việt.

Nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, từ 3/6/2024, tất cả các doanh nghiệp logistics, chuyển phát nhanh, giao nhận và các doanh nghiệp vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt và đường bộ có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào EU (ICS2) của Liên minh Hải quan EU.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm được các quy định này có khả năng phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng như: Các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại Biên giới với EU; Hàng hóa sẽ không được thông quan bởi Hải quan EU; Hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU.

Với các quy định mới về ICS2 của EU sẽ tác động nhiều đến doanh nghiệp xuất khẩu nước ta.

Theo Tổng cục Hải quan, EU coi việc đảm bảo an ninh an toàn chung cho công dân và thị trường EU là ưu tiên hàng đầu.

Hàng năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của khối EU-27 hiện chiếm khoảng 15% thương mại hàng hóa thế giới.

EU đã và đang nỗ lực triển khai chương trình an ninh và an toàn của Hải quan áp dụng trước khi hàng đến, được củng cố bởi hệ thống thu thập thông tin hàng hóa với quy mô lớn - Hệ thống kiểm soát nhập khẩu ICS2.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) của Việt Nam.
Tông kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-EU27 đạt 58,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 43,5 tỷ USD và nhập khẩu từ EU 14,92 tỷ USD.

Chương trình tiếp nhận thông tin qua hệ thống ICS2 này là một trong những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường quản lý rủi ro hải quan tích hợp trong khuôn khổ quản lý rủi ro chung (CRMF) của EU.

Hệ thống ICS2 sẽ thu thập dữ liệu về tất cả hàng hóa trước khi đến biên giới EU. Doanh nghiệp sẽ phải khai báo dữ liệu an toàn và bảo mật trên hệ thống ICS2, thông qua Tờ khai nhập khẩu tóm tắt (ENS).

Nghĩa vụ bắt đầu nộp các tờ khai như vậy sẽ không hoàn toàn giống nhau đối với tất cả các doanh nghiệp, phụ thuộc vào loại dịch vụ cung cấp trong quá trình vận chuyển hàng hóa quốc tế và được triển khai trong ba giai đoạn vận hành của ICS2.

Giai đoạn 1 bắt đầu từ 15/3/2021 áp dụng cho ba đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Chuyển phát nhanh, bưu điện và cơ quan bưu chính từ bên ngoài EU;

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 01/3/2023 áp dụng cho 5 đối tượng trong đó có ba đối tượng trong giai đoạn 1 và bổ sung các Công ty giao nhận, logistics và doanh nghiệp vận tải hàng không.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 03/6/2024, áp dụng cho tất cả các đối tượng còn lại bao gồm 5 đối tượng từ giai đoạn 1 và 2, bổ sung thêm các doanh nghiệp vận chuyển đường biển, đường sắt và đường bộ cùng với các nhà Nhập khẩu tại EU.

Thông tin trước về hàng hóa và phân tích rủi ro sẽ cho phép xác định sớm các mối đe dọa về an ninh và giúp cơ quan hải quan can thiệp vào thời điểm thích hợp nhất trong chuỗi cung ứng.

Nhờ đó, bảo vệ an toàn và an ninh cho Hải quan EU một cách hiệu quả hơn, tăng cường bảo vệ công dân EU và thị trường nội địa trước các mối đe dọa khủng bố; cho phép cơ quan Hải quan EU xác định sớm hơn các lô hàng có rủi ro cao và can thiệp vào thời điểm thích hợp nhất trong chuỗi cung ứng.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU là người khai báo, doanh nghiệp chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác, hoàn chỉnh và kịp thời của các thông tin đã khai báo trên Tờ lược khai nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý tới các yêu cầu thông tin nhất định trên tờ khai, cụ thể:

Thứ nhất, khai báo mã HS (6 chữ số) của hàng hóa có tính chất thương mại (giao dịch giữa Doanh nghiệp – Doanh nghiệp và Doanh nghiệp-Khách hàng).

Thứ hai, khai báo số đăng ký và định danh EORI (tương tự như mã số doanh nghiệp) của người nhận hàng tại EU. Các bên cần cung cấp Số đăng ký và định danh cho người khai báo Tờ lược khai nhập khẩu. Số đăng ký và định danh có thể được xác thực tại trang web của Ủy ban EU (europa.eu) để chắc chắn thông tin là chính xác.

Thứ ba, khai báo thông tin về Bên bán và Bên mua (hoặc chủ hàng hóa trong trường hợp lô hàng không liên quan tới giao dịch thương mại) của hàng hóa cùng điểm đến cuối cùng ở Liên minh Châu Âu.

Thứ tư, bắt buộc phải có Bản mô tả đầy đủ hàng hóa bằng ngôn ngữ dễ hiểu và đủ chính xác để cơ quan Hải quan có thể xác định được hàng hóa.

Việc nộp dữ liệu có thể dưới hình thức một tờ khai hoàn chỉnh nếu bên nộp dữ liệu có sẵn mọi dữ liệu cần thiết, hoặc có thể nộp dữ liệu ENS nhiều lần trong trường hợp có nhiều hơn một phần dữ liệu ENS được nộp bởi các bên khác nhau trong chuỗi cung ứng.

Các cơ quan Hải quan EU có thể từ chối khai báo ENS trong trường hợp thiếu thông tin hoặc có các biện pháp can thiệp giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn trước khi xếp hàng lên tàu hoặc trước khi hàng đến, yêu cầu người khai phải cung cấp các dữ liệu cần thiết, chẳng hạn trong trường hợp dữ liệu không chính xác.

Để đáp ứng các nghĩa vụ về nộp dữ liệu Tờ lược khai nhập khẩu, các doanh nghiệp cần nâng cấp các hệ thống CNTT, quy trình nghiệp vụ và đào tạo nhân sự. Ngoài ra, các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện tự kiểm thử tính phù hợp trước khi bắt đầu các nghiệp vụ khai báo vào hệ thống.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/he-thong-kiem-soat-hang-hoa-nhap-khau-vao-eu-tac-dong-manh-toi-doanh-nghiep-viet-d214109.html