Nhận diện, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm 'nổi'

Ngày 7-7, CATP Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm của lực lượng Cảnh sát hình sự.

Báo cáo kết quả công tác của lực lượng CSHS CATP Hà Nội do chỉ huy Phòng CSHS trình bày tại hội nghị nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố xảy ra 1.840 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 76 vụ (3,9% so với 6 tháng đầu năm 2022). Các đơn vị điều tra khám phá 1.670 vụ, 3.976 đối tượng phát hiện trong kỳ, đạt tỷ lệ khám phá 90,7%.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn TP trong thời gian qua, lực lượng CSHS thấy “nổi” lên một số vấn đề. Đó là tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính phức tạp tại một số địa bàn quận, huyện.

Trong đó, số vụ giết người do nguyên nhân mâu thuẫn bột phát trong đời sống sinh hoạt chiếm tỷ lệ cao (43,7%); xảy ra một số vụ đối tượng gây án manh động, liều lĩnh, thực hiện hành vi phạm tội đến cùng nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Tội phạm cướp tài sản cũng diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều tại địa bàn các quận nội thành. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố nổi lên tình trạng giữa bị hại và đối tượng xảy ra mâu thuẫn tranh chấp, chủ yếu là vay nợ không được giải quyết dẫn tới hành vi cướp tài sản (xảy ra 26 vụ, tăng 10 vụ, tương đương 62,5% so với cùng kỳ năm 2022). Ngoài ra, còn xảy ra các vụ cướp xe máy tại địa bàn công cộng, tuyến giao thông.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phần tham luận

Tội phạm trộm cắp tài sản vẫn xảy ra phổ biến ở các quận, huyện, thị xã. Một số đối tượng sử dụng công cụ phá kính xe ô tô để trộm cắp tài sản trong xe trên các tuyến phố không có người trông giữ; sử dụng thiết bị điện tử làm phương tiện gây án.

Cá biệt có những nhóm đối tượng là người chưa thành niên bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, sống tụ tập tại các quán điện tử, thông qua các hội nhóm kín trên mạng để tụ tập, rủ nhau đi trộm cắp tài sản. Điển hình, Phòng CSHS bắt giữ nhóm 6 đối tượng chưa đủ 16 tuổi gây ra 23 vụ trộm cắp tài sản gồm xe máy, gương xe ô tô và các tài sản khác tại địa bàn Hà Nội và Hưng Yên.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, mặc dù các đơn vị đã tập trung lực lượng, áp dụng các biện pháp tổ chức phòng ngừa, trấn áp mạnh mẽ với loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các nhóm đông đối tượng, chủ yếu là thanh thiếu niên có mâu thuẫn cá nhân, thách thức nhau trên mạng xã hội sau đó lôi kéo bạn bè, kêu gọi tụ tập thành nhóm đông người (có nhóm trên 20- 30 đối tượng), chuẩn bị các loại vũ khí, hung khí (dao, kiếm, tuýp sắt gắn dao, chai thủy tinh...) điều khiển xe máy thành đoàn tốc độ cao, lạng lách, chủ yếu là "diễu võ dương oai" gây rối trật tự công cộng trên địa bàn, song số vụ xảy ra vẫn ở mức cao (51 vụ, tăng 25 vụ= 96,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Lực lượng Cảnh sát hình sự hóa trang bắt giữ đối tượng

Tại hội nghị, chỉ huy Công an các quận, huyện đã tham luận làm sáng rõ kết quả công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn 6 tháng vừa qua.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã biểu dương, ghi nhận kết quả công tác đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm của Công an các quận, huyện 6 tháng đầu năm.

Nhất trí với nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CSHS trong 6 tháng cuối năm, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cũng gợi mở một số vấn đề trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, cần chủ động làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội; làm mới công tác điều tra cơ bản theo lĩnh vực; chủ động tham mưu, nắm vững “phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh” các chuyên đề, rà soát xem đơn vị đã triển khai đến đâu; sơ kết, tổng kết các chuyên đề để nhìn nhận, đánh giá kết quả đã thực hiện trong công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ.

“Mới đây, CATP Hà Nội đã tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng, rút ra bài học kinh nghiệm, khẳng định vai trò đi đầu của lực lượng Công an Thủ đô với nhiều sáng kiến. Hay như sơ kết chuyên đề thanh thiếu niên hư, đã nêu lên bức tranh toàn cảnh, để phòng ngừa, ngăn chặn” – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nêu ví dụ.

Thông qua đó, các đơn vị và cán bộ, chiến sỹ đã có thêm nhận thức về các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, loại tội phạm đang nổi, chuẩn bị nổi; cần nhận diện từ sớm từ xa, tiến hành đấu tranh kiên quyết với các băng ổ nhóm, lưu ý với các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhan-dien-dau-tranh-quyet-liet-voi-cac-loai-toi-pham-noi-post545126.antd