Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bộ sách về Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Nhà xuất bản Trẻ (Thành phố Hồ Chí Minh) phát hành bộ sách về Điện Biên Phủ được họa sĩ Mai Quế Vũ thiết kế bìa đồng bộ, ấn tượng.

Sáu tựa sách trong bộ Điện Biên Phủ vừa được phát hành.

Sáu tựa sách trong bộ Điện Biên Phủ được phát hành lần này gồm: Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên (Nguyễn Huy Tưởng), Điện Biên Phủ- Thời gian và Không gian (Hữu Mai), Điện Biên Phủ-Hoa ban đỏ (Hữu Mai), Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ (Lưu Trọng Lân), Điện Biên Phủ-Nhớ lại để suy ngẫm (Trần Thái Bình), Điện Biên Phủ-Những trang vàng lịch sử (Hoàng Minh Phương).

“Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” là tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, do chính con trai ông là Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn.

Nguyễn Huy Tưởng là người dẫn đoàn nhà văn đầu tiên lên Điện Biên Phủ (“Tổ Điện Biên”) kể từ sau ngày chiến sự; tham gia vào mọi công việc lao động thường nhật của các chiến sĩ xây dựng mảnh đất Tây Bắc lịch sử này. Tác phẩm được thai nghén chính trong cái khó khăn, vất vả của một đời sống xây dựng chuyên cần, vị lai, không ngưng nghỉ một phút giây nào ấy.

Bìa cuốn sách "Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên".

Điểm nhấn của tác phẩm này chính là những trang nhật ký và thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Mỗi dòng chữ đều cho thấy phẩm chất chân thành của một nhà văn trong công cuộc kiến thiết Tổ quốc, với tất cả sự hối hả bức thiết của việc đằm mình trong thực tế để sống và viết.

“Hoa ban đỏ” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hữu Mai. Tác phẩm vừa là bức tranh tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", vừa là câu chuyện về những con người đã hy vọng, đã chiến đấu, đã yêu và đã hy sinh cho đất nước mình. Cuốn sách cũng là kịch bản cho bộ phim cùng tên năm 1994 đã chiếm trọn trái tim nhiều khán giả.

“Điện Biên Phủ-Thời gian và Không gian” là câu chuyện độc đáo về Điện Biên Phủ thông qua lời kể của nhiều thế hệ. Họ trở về Điện Biên Phủ để thăm lại chiến trường xưa, giải tỏa những nỗi niềm quá khứ, và tìm lại những mối ân tình kỳ lại nơi mảnh đất họ tìm được sự sống trong cái chết.

Với cách viết lôi cuốn, cảm động, đan xen khéo léo tư liệu lịch sử, tác phẩm giúp bạn đọc hình dung được sự kỳ vĩ của chiến dịch, những tác động lịch sử đối với cuộc đời nhiều con người và nhiều thế hệ.

Bìa tác phẩm Hoa ban đỏ.

“Điện Biên Phủ-Nhớ lại để suy ngẫm” được viết bởi tác giả Trần Thái Bình. Ông là Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã dành nhiều thời gian nhìn lại những sự kiện trong trận quyết chiến chiến lược lớn ở Điện Biên Phủ năm 1954. Tác phẩm “Điện Biên Phủ-Nhớ lại để suy ngẫm” là tập hợp những tư liệu trực tiếp và gián tiếp, từ phía Việt Nam và nước ngoài, để độc giả thấy rõ hơn những ý nghĩa và bài học lịch sử từ sự kiện này.

Bìa cuốn "Điện Biên Phủ- Những trang vàng lịch sử".

“Điện Biên Phủ-Những trang vàng lịch sử” là tác phẩm của đại tá Hoàng Minh Phương, với lời đề tựa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Hoàng Minh Phương là trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Trưởng khoa Lý luận chung-Viện Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng.

Tập sách được viết từ những tư liệu do tác giả thu thập, cộng thêm ký ức của chính ông, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ vì sao Điện Biên Phủ lúc đầu không có trong kế hoạch tác chiến của quân viễn chinh Pháp cũng như kế hoạch tác chiến của ta-về sau lại trở thành nơi diễn ra cuộc quyết chiến chiến lược vĩ đại.

Trong khi đó, “Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ” là tác phẩm tâm huyết của tác giả Lưu Trọng Lân. Hình ảnh bộ đội, dân công chuẩn bị chiến trường và chiến đấu quyết liệt trong 55 ngày đêm, những máy bay quân thù bốc cháy, lao đầu xuống đất, phi công bị bắt sống, hàng nghìn binh lính địch kéo nhau ra hàng - từ trong ký ức không thể nào quên đó, tác giả sẽ đem đến với bạn đọc nhiều thực tế sống động.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nha-xuat-ban-tre-ra-mat-bo-sach-ve-dien-bien-phu-post807614.html