Nhà văn Trần Minh Tước (Xích Điểu): Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn

Tháng 7/1946, do yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ông Trần Minh Tước được Bác Hồ cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn. Ông là nhà văn, nhà báo tên tuổi, có nhiều đóng góp với sự nghiệp báo chí và văn học nghệ thuật của nước ta. Ông đã đảm nhiệm chức vụ này trong hai năm (1946-1947) và đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ của tỉnh Lạng Sơn sau cách mạng Tháng Tám.

Ông Trần Minh Tước (Xích Điểu) – Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn năm 1946-1947

Ông Trần Minh Tước là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Lạng Sơn. Thời gian công tác của ông ở Lạng Sơn tuy không lâu nhưng lại là những thời khắc quan trọng gắn với nhiều biến động của lịch sử của tỉnh, phản ánh quá trình đấu tranh chính trị và ngoại giao quyết liệt để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước.

Ông Trần Minh Tước sinh ngày 5/4/1913 trong một gia đình Nho học giàu truyền thống yêu nước ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông được gia đình cho theo học Trung học tại trường Bưởi (Hà Nội) và có vốn tiếng Pháp rất vững vàng. Năm 1931, sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông bắt đầu bước chân vào nghề làm báo, viết văn và cộng tác với một số tờ báo nổi tiếng lúc đó như: Thời báo Công Thương, Phụ nữ thời đàm… Ông cũng là người tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1935, khi Mặt trận Bình dân lên nắm quyền tại Pháp, ông đã viết bài cho các tờ báo tiếng Pháp như Le Travall (lao động), L’Essor Indochinois (Đông Dương cất cánh). Từ năm 1938, ông tích cực tham gia mặt trận Dân chủ Đông Dương đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Ít lâu sau ông vào Sài Gòn vừa dạy học vừa làm báo. Năm 1939, khi thực dân Pháp đàn áp phong trào Dân chủ Đông Dương, ông bị bắt và đưa đi lưu đày tại nhà tù Sơn La. Tại đây, ông đã cùng các đồng chí của mình như Lê Đức Thọ, Tô Hiệu… viết bài cho báo Suối Reo – một tờ báo cách mạng bí mật trong tù do đồng chí Xuân Thủy phụ trách. Bên cạnh đó, ông còn viết kịch bản, tổ chức diễn kịch, diễn tuồng và sáng tác thơ ca nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù. Bút danh Xích Điểu của ông ra đời trong thời gian này. Năm 1943 ông được ra tù, sau một thời gian bị quản thúc ở Bắc Giang, ông tiếp tục hoạt động và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Lạng Sơn.

Chính quyền non trẻ mới ra đời, tỉnh Lạng Sơn đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Để đối phó với âm mưu và hành động của địch trước mắt cũng như lâu dài, bên cạnh việc phát huy sử dụng đội ngũ cán bộ người địa phương, tháng 7/1946 Bác Hồ cử ông Trần Minh Tước về làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn bởi ông là nhà hoạt động cách mạng có trình độ, thông hiểu sâu sắc về văn hóa Pháp, dày dạn kinh nghiệm chống Pháp trên mặt trận tư tưởng.

Thực hiện chỉ thị của Bác, những ngày làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, ông không chỉ lãnh đạo Nhân dân Lạng Sơn tích cực củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng mà còn có những hoạt động để hạn chế tối đa những hành động của quân Pháp phá hoại chính quyền cách mạng ngay từ khi chúng mới tới đóng tại một số cơ sở ở địa phương.

Trong hồi ký “Trọn đời yêu thương” xuất bản năm 1995, đồng chí Hà Văn Thư – nguyên Chủ nhiệm Thành bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc Lạng Sơn lúc đó đã kể lại nhiều việc làm tích cực của ông và các đồng chí Lê Huyền Trang, Lã Văn Lô trong việc xúc tiến thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc, cũng như các hoạt động đấu tranh không khoan nhượng của ông trong việc bắt quân Pháp phải thực hiện tốt những điều đã ký kết trong Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946.

Trong 2 năm (1946 – 1947), ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, lãnh đạo Nhân dân Lạng Sơn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để dự trữ, cung cấp lương thực, chuẩn bị kháng chiến chống Pháp lâu dài…

Ít lâu sau, ông về Liên khu Việt Bắc hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ông chuyên tâm vào lĩnh vực sáng tác thơ châm biếm, tiểu phẩm trào phúng đả kích chính quyền Pháp và cổ vũ cho kháng chiến chính nghĩa của dân tộc. Ngày 1/1/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh 01/SL chỉ định ông làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến Liên khu Việt Bắc, sau đó đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch.

Năm 1954, hòa bình lập lại, ông về Hà Nội chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Báo chí Trung ương thuộc phủ Thủ tướng, Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Thống Nhất… Với bút danh Trần Minh Tước, Xích Điểu, Thương Biền… ông đã viết nhiều bài cho các báo Nhân Dân, Cứu Quốc, Văn nghệ với các thể loại tiểu phẩm, chính luận, thơ đả kích, châm biếm, trào phúng, kịch bản sân khấu… Là một cây bút xuất sắc, tạo dựng được tên tuổi trong lĩnh vực báo chí và văn nghệ, khi Hội nhà văn Việt Nam thành lập ngày 23/4/1957, ông trở thành một trong những hội viên đầu tiên của hội. Ông được đánh giá là một cây bút vững vàng, giàu bản lĩnh, nhiệt huyết đấu tranh cho chính nghĩa, phục vụ cách mạng bằng chính ngòi bút sắc sảo của mình. Giới văn nghệ thân mật gọi ông là “kiện tướng văn chương”. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông vào thành phố Hồ Chí Minh định cư và tiếp tục làm công việc viết báo. Ông được nghỉ chế độ năm 1980 và mất ngày 28/7/2003.

Ông Trần Minh Tước là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Lạng Sơn. Thời gian công tác của ông ở Lạng Sơn tuy không lâu nhưng lại là những thời khắc quan trọng gắn với nhiều biến động lịch sử của tỉnh, phản ánh quá trình đấu tranh chính trị và ngoại giao quyết liệt để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước. Bằng tài năng và nhiệt huyết của mình, ông đã góp phần quan trọng cùng chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn giữ vững nền độc lập, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ với niềm tin tất thắng.

CHU QUẾ NGÂN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/607958-nha-van-tran-minh-tuoc-xich-dieu-chu-tich-uy-ban-hanh-chinh-dau-tien-cua-tinh-lang-son.html