Nhà văn Mai Tiến Nghị: Tâm thu xao xác cuối đường

Chúng tôi quen biết nhau từ cái đận cùng đi nhận giải thưởng Báo Văn nghệ trong cuộc thi truyện ngắn và thơ (2006-2007). Nghe nói Mai Tiến Nghị là một ông giáo dậy toán lần đầu tiên viết truyện ngắn dự thi được giải luôn. Tôi phục lăn.

Rồi bẵng đi 10 năm sau, tình cờ tôi đọc truyện ngắn "Mía đắng" của anh trên Báo Văn nghệ. Nổi hứng tôi viết một bài bình luận tán thưởng. Anh kể chuyện thật duyên và thấm đẫm nỗi tình nhân ái. Đọc thấy mê. Rồi tôi lần tìm tới nhà anh tại một thị trấn vùng biển Hải Hậu - Nam Định.

Đường đời bao nỗi

Phải nói tôi khá bất ngờ khi thấy nhà văn Mai Tiến Nghị có giọng hát rất truyền cảm. Mới đây tôi được nghe anh trải nỗi lòng qua bài "Ngày mai rồi mình cũng già" của nhạc sĩ Vũ Thành An. Tôi xúc động với âm sắc khê khàn nặng trĩu tâm can của một ông giáo làng luôn vướng nợ nhân gian. Anh vừa đàn vừa hát và lấy hơi nhả chữ gọn gàng say mê như một nghệ sĩ. Khi đó anh thật duyên dáng tươi trẻ với cảm xúc đằm thắm say sưa.

Nhà văn Mai Tiến Nghị.

Có lần cùng tôi ngồi bên bàn trà, anh run rảy với bao ký ức tràn về. Cũng nhờ có giọng hát hay từ khi còn trẻ mà anh đã phát huy để kiếm thóc về cho vợ con. Anh bùi ngùi nhớ lại vào thập niên 80 thế kỷ XX đi dậy học nhưng gia đình nghèo lắm. Anh làm thêm đủ mọi việc từ khuân vác đến kẻ vẽ khẩu hiệu hay đi hát thuê cho hội nghị và đám cưới. Có lúc anh kể chuyện mình đi hát để lấy điểm quy ra thóc thật hài hước. Giọng thuốc lào của anh dầy và ấm. Giờ đã rè lắm rồi nhưng lại có cái hay ở nỗi da diết tâm can. Kể cả khi thời làm hiệu trưởng hàng chục năm nhưng thầy Mai Tiến Nghị vẫn đi hát kiếm công điểm nuôi con. Thậm chí anh còn đoạt mấy Huy chương Vàng hát đơn ca trong các kỳ hội diễn của tỉnh. Vợ anh làm nông nghiệp nhưng không được là bao vì sức yếu. Gánh nặng gia đình dồn lên vai anh khi nuôi ba con ăn học và trông nom bố mẹ già. Cứ thế anh cặm cụi cầy thuê vác mướn kiếm thêm ngoài giờ dậy học.

Ngôi trường THCS Hải Hưng (Hải Hậu-Nam Định) mà thầy Mai Tiến Nghị làm hiệu trưởng nổi như cồn, luôn đứng tốp đầu về chuyên môn và phong trào thi đua ở Hải Hậu. Phải nói vào thời điểm này việc viết văn còn xa lạ đối với Mai Tiến Nghị. Tâm trí anh dồn hết vào nghề dậy học. Mái trường là gia đình thứ hai của anh. Nghị lực của Hiệu trưởng Mai Tiến Nghị rất lớn khi cùng các thầy cô dậy dỗ chăm lo cho hàng ngàn học sinh tốt nghiệp ra trường qua bao niên khóa.

Ngồi trước bát điếu cũ kỹ sứt mẻ theo thời gian tôi luôn nhớ tới câu thơ của anh: "Mây trắng đùn lên một dải/ Cau già bóc yếm tơ hơ/ Trước cửa chó khoang sõng sượt/ Thu già khản giọng chim hờ". Dường như đó là bản tự họa của anh qua bức tranh quê sau bao năm tháng bươn chải. Chính trực và ngay thẳng nhưng trung hậu đó là bản tính của Hiệu trưởng Mai Tiến Nghị. Hơn nữa thầy giáo Nghị đã từng là chiến binh, mấy lần đoạt danh hiện dũng sĩ, xông pha trận mạc (từ năm 1971 tới 1976) trên mặt trận Quân khu V. Anh hiện thân với hình ảnh "Làm cây thông đứng giữa trời mà reo" (Nguyễn Công Trứ). Chính vì lẽ đó mà thầy giáo Mai Tiến Nghị đã gặp trắc trở. Những mối đe dọa đâu đó bao vây anh. Sau này tôi mới thấu hiểu được khi anh tâm sự qua những vần thơ: "Con rắn trườn ra từ ngách tối/ Cuốn quanh tôi và siết vào mạng sườn siết tê buốt cánh tay/ Rắn siết lên đầu siết vào tâm tưởng/ Cô đơn".

Khi đó Hiệu trưởng Mai Tiến Nghị đã không chịu nghe lệnh cấp trên về công tác điều chuyển cán bộ. Họ ép anh phải nhận một Hiệu phó mà không đạt yêu cầu về nghiệp vụ. Trong khi đó nhà trường đã bầu và đề xuất những người có chuyên môn cao và có uy tín nhưng không được như ý muốn. Sau những lần điều đình không được, chính thầy giáo Mai Tiến Nghị bị chuyển đi làm Hiệu trưởng một trường khác. Nghe chuyện tôi càng thêm yêu những câu thơ tâm trạng của anh sau này: "Một cánh chuồn mang chút lửa/ Thắp lên trăm nỗi buồn vương/ Nghiêng nghiêng lọt cơn gió thoảng/ Tâm thu xao xác cuối đường" (Già thu)

Lòng luôn vương nợ nhân gian

Thật khó hình dung khi thầy giáo Mai Tiến Nghị vượt qua khúc gãy đường đời đó với một truyện ngắn "Mặt trời chói lóa". Anh kể một năm sau khi về làm Hiệu trưởng trường THCS Hải Phúc anh đột ngột cầm bút bày tỏ sự thật về "tai nạn" của mình. Nhưng câu chuyện hấp dẫn đó cũng suýt đem lại hiểm họa khôn lường cho anh. Những người tham gia vụ thuyên chuyển cán bộ ngày nào hốt hoảng khi thấy mình hiển hiện trong câu chuyện in trên Báo Văn nghệ (11/2006). Tuy tên tuổi không được nêu đích danh nhưng họ nổi giận và vu cho "nhà văn trẻ" Mai Tiến Nghị lúc đó là chống phá tổ chức. Họ đề ra những hình thức kỷ luật khai trừ khỏi đảng và đuổi Hiệu trưởng Mai Tiến Nghị khỏi ngành.

Một số tác phẩm của nhà văn Mai Tiến Nghị.

Không ngờ từ đó Mai Tiến Nghị nổi lên như một hiện tượng trên toàn huyện. Mọi người đem Báo Văn nghệ đi phô tô truyện ngắn của thầy Nghị rồi truyền tay nhau đọc. Thậm chí có cửa hàng còn in ra hàng loạt rồi bán cho mọi người. Quá tức giận, Chủ tịch huyện quyết diệt trừ ngôi sao lạc loài này. Nhưng cuối cùng họ cũng phải bó tay vì không thể xử nổi vụ án "Nhân văn" Mai Tiến Nghị. Bởi lẽ khi ấy có người lên tiếng đe rằng đây là tác phẩm văn học do tác giả hư cấu chứ không phải viết báo nói xấu huyện. Đâm ra họ giật mình vì sợ phạm luật "hư cấu" gì đó không thể hiểu nổi. Tuy vậy, án văn vẫn treo lơ lửng trên đầu Hiệu trưởng Mai Tiến Nghị. Công an huyện cùng xã theo dõi "nhà văn trẻ" sát sao cả 24/24 giờ. Mãi ba năm sau Mai Tiến Nghị được Bằng khen Thủ tướng Chính phủ vì thành tích chuyên môn, khi đó lệnh bám sát mới dỡ bỏ.

Sau tai nạn văn chương: "Bóng tối lui dần và nhỏ xíu trong mơ" (Chập chờn đêm của rắn), anh liên tục ra mắt những tác phẩm nổi tiếng trên văn đàn. Khởi động tác phẩm đầu tiên đúng vào tuổi "Ngũ thập tri thiên mệnh", cho tới nay nhà văn Mai Tiến Nghị đã có tới mươi đầu sách và không ít giải thưởng danh giá của trung ương, địa phương và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, nhà văn Mai Tiến Nghị có tới 6 lần được chọn truyện ngắn vào bảng "Top Ten" của Báo Văn nghệ hàng năm.

Bạn đọc luôn nhắc tới những truyện ngắn hay của anh như: "Nợ nhân gian", "Thuyền lõng", "Kiếp người"; hay đó còn là "Đêm ấy có nguyệt thực", "Mùa cua rận", "Bạn đồng hành"… Từ cách viết hiện thực trần trụi và mãnh liệt ở dạng truyện ngắn "Mặt trời chói lóa" hoặc tiểu thuyết "Lính trơn" nhà văn Mai Tiến nghị đã chuyển dịch rất nhanh khi bay bổng trong không gian và thời gian "đảo phách" như trong âm nhạc. Nhịp điệu trong cấu trúc tác phẩm nghiêng sang tượng trưng huyền ảo khi mô tả những hiện thực có phần dị biệt. Anh luôn hướng tới những số phận bị rơi xuống đáy vực nhân gian, như Quán câm, Cánh cụt, hay Sinh, Vọp hoặc Viên "chín dúm"... Anh đã có những nốt lặng trong bản trường ca của mình sau đó khai thác triệt để tiến trình đổ vỡ hoặc sự sám hối của nhân vật. Đó chính là sự hấp dẫn của thủ pháp nghệ thuật Mai Tiến Nghị.

Mấy cọng sen khô mùa cũ

Cho dù đề tài về người lính hay giáo dục, nhà văn luôn dành trái tim mình hướng tới những thân phận khuất lấp, truân chuyên và cô đơn. Vết thương ngày nào trên đầu nơi trận mạc như một dấu triện về cuộc đời phong sương bôn ba của anh. Đôi lúc anh tỏ ra hóm hỉnh khỏa lấp nỗi ưu tư trong cuộc sống lẻ loi hiện nay.

Nhưng thơ anh soi rõ tâm hồn anh đang lắng đọng bao điều sau hai lần đổ vỡ hôn nhân. Nụ cười hồn hậu đã có phần e dè khi mỗi lần trà dư tửu hậu với bạn bè. Sau những hoạt kê: "Bảy mươi/ Mà nhuộm tóc lại quên lông mày dang dở/ Râu ria lởm chởm/ Bạc như chân nhang hóa trong bát nhang chùa" (Chuyện mấy gã lính già) để tự giễu nhại vui đùa; thì hồn thơ Mai Tiến Nghị luôn đau đáu nỗi niềm: "Người câm/ Thả u uất vào tiếng khà tiếc nuối/ Như thể giọt rượu cuối cùng chẳng đọng đầu môi/ Tôi mím miệng soi vào chén rượu/ Bỗng mơ hồ nghe thấy tiếng người câm" (Chúc rượu người câm).

Thơ anh hiện lên bức tranh về số phận mình, sự cô đơn đến tận cùng như những nhân vật truyện ngắn của anh. Lần này trong không gian yên ả của vườn cây do người cha của anh để lại, tôi lắng nghe Mai Tiến Nghị hát và đọc thơ. Một cảm giác khác lạ gai gai chân tóc trong tôi thấm nỗi ám ảnh: "Mộng mị hỏi người mộng mị/ Ngày tàn đêm đã sang chưa/ Mấy cọng sen khô mùa cũ/ Xiên vào đáy nước vật vờ" (Già thu). Cây guitar trên tay anh nghiêng nghiêng rung lên những âm thanh trầm đục. Một tiếng chim líu ríu gọi đàn. Một cây hoa giấy thắp những bông lửa cháy bên hiên nhà.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-mai-tien-nghi-tam-thu-xao-xac-cuoi-duong-i698654/