Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - tác giả 'Ai đã đặt tên cho dòng sông' qua đời

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tác giả tác phẩm ''Ai đã đặt tên cho dòng sông'' qua đời tại nhà riêng, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trút hơi thở cuối cùng.

Ngày 25/7, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết thông tin nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đi vào ngày 24/7, chỉ ít ngày sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất. Ông hưởng thọ 87 tuổi.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã qua đời sau nhiều năm bị tai biến.

Chị Hoàng Dạ Thư - con gái cả nhà thơ - cho biết: "Bố tôi khỏe, minh mẫn cho đến khi bị tai biến lần hai hồi tháng 3. Ông ra đi thanh thản, nhẹ nhàng". Gia đình sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ ông vào ngày 30 và 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).

12 năm nay, ông cùng vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - chuyển từ Huế vào TP HCM sống cùng con gái. Ông bị tai biến năm 1998, từ đó liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Dù sinh hoạt bất tiện, ông vẫn giữ tinh thần tốt, viết nhiều bút ký, các bài nghiên cứu trên tạp chí. Vợ ông qua đời hôm 6/7, thọ 74 tuổi.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937 tại làng Bích Khê, xã Triệu Long (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Thời niên thiếu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh sống và học tập tại Huế. Sau khi học hết bậc trung học ở Huế năm 1960, ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh học tại Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán, Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Sau đó ông quay trở lại Huế và tiếp tục việc học tại Trường Đại học Văn khoa Huế. Năm 1964, ông chính thức tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Triết học tại ngôi trường này.

Trong khoảng thời gian từ năm 1960-1966, ông dạy tại Trường Quốc học Huế và tham gia tích cực vào các phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mỹ, đòi độc lập, thống nhất đất nước.

Năm 1966-1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường tình nguyện thoát ly gia đình và di chuyển lên các chiến khu để góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.

Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại cho đời nhiều tác phẩm: Về bút ký, truyện ký có “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” (1971); “Rất nhiều ánh lửa” (1979, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980-1981); “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (1984); “Bản di chúc của cỏ lau” (1984); “Hoa trái quanh tôi” (1995); “Huế-Di tích và con người” (1995); “Ngọn núi ảo ảnh” (2000); “Trong mắt tôi” (2001); “Rượu hồng đào chưa uống đã say” (2001); “Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé” (2005); “Miền cỏ thơm” (2007); “Ai đã đặt tên cho dòng sông - Tinh tuyển bút ký hay nhất” (2010); về thơ, có “Những dấu chân qua thành phố” (1976); “Người hái phù dung” (1992)...

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông, viết ở Huế, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông. Bài bút ký thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, lối viết giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2019.

Năm 2007, Hoàng Phủ Ngọc Tường được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Như Hoa (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-van-hoang-phu-ngoc-tuong-tac-gia-ai-da-dat-ten-cho-dong-song-qua-doi-169230725183833685.htm