Nhà máy Sứ Hải Dương trước thời điểm tháo dỡ xây khu đô thị

Nhà máy Sứ Hải Dương - biểu tượng thịnh vượng của nền công nghiệp Hải Dương sắp sửa phải tháo dỡ để xây khu đô thị trung tâm quy mô dân số hơn 3.000 người.

Tháng 12/2022, Hội đồng nhân dân TP Hải Dương đã có Nghị quyết 32/NQ-HĐND về việc quyết định chủ trương dự án Khu đô thị trung tâm phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương (khu vực 1). Khu vực dự án Khu đô thị trung tâm phường Phạm Ngũ Lão nằm trọn trong khuôn viên của Nhà máy Sứ Hải Dương, Công ty CP Phát hành sách, trường mầm non Hoa Sứ và 18 hộ dân ở các lối ra.

Ngày 31/8/2023, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định thu hồi 8.458m2 đất của Công ty CP Sứ Hải Dương để giao UBND TP Hải Dương triển khai xây dựng khu tái định cư và trường mầm non Hoa Sứ đợt 1 (giai đoạn 1) thuộc dự án Khu đô thị trung tâm phường Phạm Ngũ Lão.

Giai đoạn 2 dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng các hộ dân và đầu tư xây dựng hạ tầng các nút giao kết nối đường Tuệ Tĩnh, đường Hào Thành và đường Điện Biên Phủ với dự án khu đô thị. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 543 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông vào chiều 11/9, hiện trạng Nhà máy Sứ Hải Dương gồm nhiều công trình bị xuống cấp trầm trọng và bỏ hoang, dây chuyền sản xuất bị bụi bao phủ, tuyến đường có nhiều có dại chưa được cắt bỏ...

Tại một số khu vực sản xuất chỉ có lác đác công nhân làm việc để hoàn thành nốt công đoạn đưa những đồ sứ vào sử dụng.

"Một số phân xưởng của chúng tôi ở đây vẫn hoạt động. Trước đây, Nhà máy Sứ Hải Dương từng có gần 2.000 cán bộ, công nhân làm việc. Ai nhắc đến Hải Dương thì đều nhắc đến sứ của Hải Dương. Không biết khi ra chỗ làm mới thì có phát triển lớn hơn hay không, tôi rất kì vọng", một công nhân chia sẻ.

Ngôi nhà để làm mầu và trang trí các sản phẩm được xây dựng từ năm 1989 cũng đã bị xuống cấp trầm trọng. Kiến trúc không phù hợp, phần khoảng không phải được chăng bằng dây thép để đảm bảo an toàn.

Với sự phát triển vượt bậc, Nhà máy Sứ Hải Dương từng là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam.

Một số thiết bị, bàn ghế cùng những sản phẩm hoàn thiện được tập trung tại nhiều phân xưởng.

Đang ngồi vẽ mầu vào sản phẩm để mang đi nung, một công nhân chia sẻ: "Khi nhà nước có chủ trương thu hồi Nhà máy Sứ khiến tôi cũng buồn, bởi dù các công trình có cũ nhưng tôi đã gắn bó với nơi này một thời gian dài rồi".

Khuôn để làm các sản phẩm được để trong kho nhưng đã thời gian dài không được đưa vào sử dụng.

Khu phân xưởng sản xuất, máy móc bị phủ một lớp bụi do lâu ngày không được sử dụng.

Lan can đi lên cầu thang bị hoen gỉ, nhiều cỏ dại mọc khắp lối.

Được biết, Nhà máy Sứ Hải Dương được thành lập năm 1960, đến năm 2004 được chuyển thành Công ty cổ phần Sứ Hải Dương.

Sứ Hải Dương là một trong 14 nhà máy đầu tiên của nền công nghiệp non trẻ của Việt Nam lúc bấy giờ. Với sứ mệnh là sản xuất và cung cấp các sản phẩm sứ dân dụng để bàn như bát cơm, bát canh, đĩa ăn, ấm chén sứ... sứ Hải Dương đã luôn hiện diện trong các gia đình Việt, góp hình ảnh của mình vào ký ức gia đình của biết bao người Việt.

Đến năm 2014, nhà nước đã thoái hết 100% vốn, công ty trở thành công ty tư nhân. Tuy nhiên, thời gian sau này, công trình nhà xưởng của Nhà máy không phù hợp với công nghệ sản xuất mới nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Quốc Phương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-may-su-hai-duong-truoc-thoi-diem-thao-do-xay-khu-do-thi-19223091118185652.htm