Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đường bộ: Thanh tra giao thông không kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường

Theo cơ quan thẩm tra, quy định này nhằm bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ.

Sáng nay (21/5), theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ

Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 7 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 Điều.

Về những quy định chung, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ĐBQH cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và các quy định tại Chương I của dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát để phân định rõ, tránh trùng dẫm với phạm vi điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đề nghị sửa Điều 1 theo hướng ngắn gọn, khái quát. Đề nghị rà soát quy định về giải thích từ ngữ, chuyển một số nội dung có tính chất giải thích từ ngữ tại các điều luật về Điều 2; rà soát quy định về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường địa phương, đường đô thị; cơ sở dữ liệu đường bộ; hệ thống giao thông thông minh để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi và tiết kiệm, hiệu quả.

Căn cứ ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật.

Đối với ý kiến đề nghị quy định Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo Luật quy định theo hướng Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu; việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện.

Về hệ thống giao thông thông minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là nội dung mới và có sự thay đổi, phát triển nhanh chóng, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật sẽ không sát thực tiễn, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời đề nghị Quốc hội cho chuyển nội dung này sang Điều 40 của dự thảo Luật.

Về kết cấu hạ tầng đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý tối đa theo ý kiến ĐBQH, tập trung vào các quy định tại Điều 8 (phân loại đường bộ theo cấp quản lý), Điều 12 (quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 15 (hành lang an toàn đường bộ), Điều 16 (sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ), Điều 28 (đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 31 (bàn giao, đưa công trình đường bộ vào khai thác)...

Sáng nay, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ

Sáng nay, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ

Đối với các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý Điều 8 để xác định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý đường bộ, trên cơ sở đó chỉnh lý Điều 28, Điều 37 dự thảo Luật để xác định trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo hướng viện dẫn quy định tại Điều 8. Về nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 2 Điều 42 để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về đường bộ cao tốc, tuy đường cao tốc là cấp kỹ thuật của đường bộ, nhưng có những yêu cầu riêng về đầu tư, xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì. Do đó, việc xây dựng một chương riêng nhằm cụ thể hóa những nội dung này để bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi cho hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc.

Về ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.

Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Về hoạt động vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý các quy định tại Chương IV theo hướng rà soát, bảo đảm thống nhất với quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chỉ tập trung quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ.

Về quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung tại khoản 2 Điều 83 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì việc thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.

Về hiệu lực thi hành, căn cứ đề nghị của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và đề nghị Quốc hội cho bổ sung khoản 2 Điều 85 dự thảo Luật, theo đó các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của Luật này.

L. Chi

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/quoc-hoi-thao-luan-du-thao-luat-duong-bo-thanh-tra-giao-thong-khong-kiem-tra-xu-ly-vi-pham-tren-duong-183240521090118018.htm