Nhà đầu tư Nhật Bản: Ý định thâu tóm BĐS quốc tế?

Dù đồng Yên yếu đi nhiều, các nhà đầu tư Nhật Bản đang tập trung nguồn lực để thâu tóm BĐS ở nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường suy sụp, thế nhưng họ vẫn không ngần ngại bỏ tiền đầu tư, với dự tính số chi lên tới 7,4 tỷ USD, để thâu tóm BĐS trên toàn cầu.

Trên thế giới, Nhật Bản đại diện cho nguồn vốn đầu tư BĐS nước ngoài lớn thứ 5 trong năm nay, tăng từ vị trí thứ 16 vào năm 2022, theo MSCI. Trong số 5 nước đầu tư BĐS nước ngoài năng động nhất, Nhật Bản là nước duy nhất có mức tăng trưởng về giá trị.

Các thương vụ của nhà đầu tư Nhật Bản đã giúp khuấy động thị trường văn phòng Mỹ trước đó bị đóng băng do người lao động từ chối lời kêu gọi quay lại văn phòng làm việc. Hồi giữa năm, nhà phát triển BĐS Mori Trust Co của Nhật Bản đã mua 49,9% cổ phần của tòa nhà chọc trời 245 Park Avenue ở khu Manhattan của TP New York, từ SL Green Realty Corp, với giá khoảng 100 tỷ USD (680 triệu USD), hồi tháng 6. Mục tiêu ban đầu Mori Trust là đầu tư 200 tỷ Yên vào BĐS ở nước ngoài trong năm 2022, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Công ty hiện nhằm mục tiêu đầu tư kinh doanh 1,2 nghìn tỷ Yên vào năm 2030, trong đó khoảng 25% là dành cho BĐS nước ngoài.

Theo người đứng đầu bộ phận thị trường vốn quốc tế của Công ty Dịch vụ và Tư vấn BĐS Newmark Group ở New York, cho biết: Các tòa nhà văn phòng ở London nằm trong số những tài sản mà các công ty và quỹ hưu trí Nhật Bản mua lại trong năm nay. Dường như, họ có lượng tiền mặt dồi dào và hoạt động trong nền kinh tế phát triển duy nhất có khả năng tiếp cận lãi suất thấp, hoạt động mua mạnh BĐS của họ phần nào giải tỏa áp lực cho thị trường khi lãi suất tăng cao, khiến những nhà đầu tư khác tránh xa. Những nhà đầu tư Nhật Bản đã nhìn ra cơ hội lớn tại thời điểm mà họ có lợi thế hơn người mua khác.

Còn theo nhận xét của Tập đoàn BĐS MSCI Real Assets, vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản chiếm 7,4 tỷ USD giao dịch BĐS thương mại toàn cầu trong năm 2023, cao hơn ba lần mức trung bình hàng năm trong 15 năm qua. Các nhà môi giới BĐS cho biết, khách hàng Nhật Bản muốn tiếp tục tiêu tiền ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, Úc và Ấn Độ. Hầu hết nhà đầu tư Nhật Bản đặt tầm nhìn dài hạn để đa dạng hóa thu nhập do lợi nhuận thấp ở Nhật Bản. Theo Benjamin Chow, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của MSCI, “đây là lần đầu tiên, họ đi ngược lại quy tắc thận trọng trong một thời gian dài”.

Trong số các giao dịch lớn nhất của nhà đầu tư Nhật Bản (nhà cung cấp dịch vụ di động KDDI), trong năm nay, đã thực hiện một thương vụ trị giá 1,35 tỷ USD Canada (996 triệu USD) cho danh mục trung tâm dữ liệu ở trung tâm TP Toronto (Canada).

Một liên doanh của Mitsui Fudosan, nhà phát triển BĐS lớn nhất Nhật Bản, đã chi 315 triệu bảng Anh (398 triệu USD) cho thương vụ tòa nhà văn phòng ở London. Tại Sydney (Úc), một quỹ do Công ty BĐS Mitsubishi Estate đã mua một tòa tháp thương mại, với giá 779 triệu đô la Úc (513 triệu USD). Công ty này đầu tư đều đặn ra nước ngoài như một phần trong chiến lược kinh doanh, có tính đến các rủi ro kinh tế và địa chính trị, nhưng không ngần ngại trước xu hướng tỷ giá bất lợi của đồng Yên.

Nhìn chung, các nhà đầu Nhật Bản hiện đang rất nhiệt tình theo đuổi một chiến lược đa dạng hóa lành mạnh ra nước ngoài, để bổ sung cho hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản, với lợi nhuận hấp dẫn hơn.

Khánh Phương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nha-dau-tu-nhat-ban-y-dinh-thau-tom-bds-quoc-te-367420.html