Nhà báo Trần Mai Hưởng và những ký ức không quên nơi chiến trường ác liệt

Trở về từ chiến trường ác liệt, nhà báo Trần Mai Hưởng luôn cảm thấy mình trĩu nặng sự sống của những người đã ngã xuống, vì vậy, ông muốn kể lại câu chuyện của một thế hệ từng xông pha nơi lửa đạn.

Nhà báo Trần Mai Hưởng tác nghiệp ở chiến trường năm 1972. (Ảnh: NVCC)

"Lịch sử mấy ngàn trang giông bão/ Máu nhân dân tưới đẫm từng dòng/ Mỗi thanh gươm một đường cày hy vọng/ Hạnh phúc gieo trên mỗi mảnh đất cằn."

Đó là những câu thơ trích trong bài "Nhân dân" của tác giả Trần Mai Hưởng mà tôi nhớ nhất. Là một phóng viên chiến trường trở về từ nơi bom rơi, lửa đạn, dường như ông vẫn luôn đau đáu với những gì đã trải qua trong quá khứ, cảm thấy mình có trách nhiệm sống sao cho có ý nghĩa, phải sống thay cả phần của những người đã ngã xuống.

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023), ông trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những năm tháng tác nghiệp trong chiến tranh.

Ký ức không quên nơi lửa đạn

- Năm 1975, ông đang học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Vì sao ông lại làm đơn xin ra chiến trường?

Ông Trần Mai Hưởng: Tháng Ba, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, đoàn công tác của Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đào Tùng đang chuẩn bị lên đường vào chiến trường Nam Bộ, trong đoàn có anh trai tôi, nhà báo Trần Mai Hạnh. Vào thời điểm ấy, cơ quan cũng đang chuẩn bị đoàn cán bộ phóng viên vào mặt trận Trị Thiên. Nghe tin, tôi gặp lãnh đạo ngành xin ngừng học để tham gia đoàn. Sau khi Ban lãnh đạo xem xét và cân nhắc, đề nghị của tôi được chấp nhận.

Vì từng gắn bó với Quảng Trị, tôi rất muốn được trở lại vùng đất ấy. Có một sự thôi thúc tự nhiên khiến tôi muốn được tham gia chiến dịch này. Nhưng quả thực khi ấy, tôi không nghĩ là sẽ được đi suốt chiều dài đất nước và có mặt tại Sài Gòn trong mùa Xuân lịch sử. Đấy là một may mắn lớn trong cuộc đời làm báo của tôi.

Phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng và các đồng nghiệp trên đường ra chiến trường. (Ảnh: NVCC)

- Những năm tháng tác nghiệp trong chiến tranh khắc nghiệt có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời làm báo của ông?

Ông Trần Mai Hưởng: Trong chiến tranh ác liệt, giữa lằn ranh sống chết, con người bộc lộ rõ nhất những phẩm chất của mình. Đối với người phóng viên chiến trường, vấn đề không chỉ là gian khổ, hy sinh, đem sự sống của mình ra “đặt cược” cho mỗi chuyến đi, mỗi chiến dịch. Cái khó hơn là trong hoàn cảnh như vậy, vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những thách thức rất lớn mà để vượt qua không chỉ cần lòng dũng cảm mà còn cần cả sự quyết đoán, nhanh nhạy khi xử lý các tình huống, và tất nhiên còn cần có một trình độ nghề nghiệp cần thiết.

Những năm tháng chiến tranh đã giúp chúng tôi rèn luyện. Chính bản lĩnh sống, những giá trị, phẩm chất hình thành từ những năm tháng ấy là điểm tựa cho mỗi người cả trong những năm tháng hòa bình sau này.

- Có những khoảnh khắc nào ông nhớ nhất trong nhưng năm tháng đó?

Ông Trần Mai Hưởng: Tôi đã ở mặt trận Quảng Trị năm 1972-1973, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975; có mặt tại thủ đô Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979 khi các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot; có mặt ở Hà Giang, Cao Bằng những năm 80 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới… trong đó có rất nhiều khoảnh khắc không thể nào quên.

Tôi còn nhớ những ngày đầu năm 1972, lần đầu vào giới tuyến. Bên dòng Bến Hải, tôi đã ghi vào nhật ký: “Mặt sông loang loáng ánh chiều tà, in hình cây cầu Hiền Lương xiêu vẹo và chơ vơ giữa dòng. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước chúng ta, mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ.”

Tôi nhớ những người đã ngã xuống: Nữ du kích Thu Hồng, người mà tôi vừa chụp ảnh thì vài tuần sau chị đã hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi; phóng viên ảnh Nghĩa Dũng, khi gặp tôi trên đường hành quân, ông còn mặc chiếc áo có mùi nước tiểu của cậu con trai ba tuổi cho đỡ nhớ, ông đã ngã xuống ngay những ngày đầu chiến dịch…

Bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 39/4/1975” do phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng chụp.

Mùa Xuân năm 1975, tôi không thể nào quên khoảnh khắc vào Huế, Đà Nẵng ngày đâu tiên giải phóng và hình ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 39/4/1975.” Trong bức ảnh tôi chụp, chiếc xe tăng mang số hiệu 846 của trưởng xe Nguyễn Quang Hòa, lái xe Trần Bình Yên , pháo thủ số 1 Nguyễn Văn Quý, pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ. Họ đã trở thành những người bạn của tôi sau này.

Tôi không bao giờ quên cảm giác bàng hoàng khi chứng kiến thủ đô Phnom Penh là một thành phố chết theo đúng nghĩa đen. Tôi mãi không quên thời khắc cùng họ đón cái Tết đầu tiên xa Tổ quốc: “Trên đất Campuchia mùa khô ấy/ Chân bước đi giữa những bãi mìn/ Không khí thở cũng gây mùi xác chết/ Nỗi chập chờn đạn bắn phía sau lưng…”

Niềm tin trao gửi thế hệ sau

- Tại sao ông lại quyết định viết hồi ký vào thời điểm này?

Ông Trần Mai Hưởng: Tôi muốn khắc họa lại hình ảnh của mình và các đồng nghiệp qua các thời kỳ công tác, đặc biệt là những năm tháng chiến tranh nhiều hy sinh gian khó.

Thông tấn xã Việt Nam có một đội ngũ đông đảo cán bộ, phóng viên có những đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp sự nghiệp báo chi, cho cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều người trong số họ không còn. Với những người may mắn trở về, sự sống trong mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. Vì thế, sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về, luôn là một câu hỏi lớn.

Suy nghĩ ấy càng thôi thúc tôi viết lại mọi chuyện, góp phần vào việc lưu giữ ký ức về những năm tháng không quên. Năm nay tôi đã ngoài 70 tuổi. Đây là thời điểm hoàn thành công việc, không nên để muộn hơn.

Nhà báo lão thành Trần Mai Hưởng phát biểu trong buổi lễ ra mắt sách. (Ảnh: TTXVN)

- Đọc cuốn “Hồi ký phóng viên chiến trường,” có thể thấy rằng ông đã có thói quen ghi chép rất cẩn thận. Đó có phải là một trong những tố chất quan trọng của người làm báo?

Ông Trần Mai Hưởng: Tôi muốn ghi lại hình ảnh của người dân, của đồng bào chiến sỹ ở những nơi mình đi qua. Với con mắt của người làm báo, tôi cảm nhận được rất nhiều điều tốt đẹp cần phải ghi lại để thế hệ sau có thể biết được.

Quan sát, cảm nhận, ghi chép trong quá trình tác nghiệp là một yêu cầu rất quan trọng của người làm báo. Đó là cơ sở cho những tác phẩm chân thực, chính xác, kịp thời, sinh động.

Tất nhiên, để tác nghiệp hiệu quả còn có rất nhiều yêu cầu khác, trong đó, quan niệm sống, nhận thức về thiên chức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, tinh thần sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ là những yêu cầu hàng đầu.

Bên cạnh đó, kỹ năng sống, khả năng thích nghi với điều kiện làm việc cũng rất quan trọng. Ngoài ra, mỗi người phóng viên phải thường xuyên rèn luyện khả năng nghiệp vụ để viết tin bài, chụp ảnh trong thời gian nhanh nhất, nhanh nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng.

Tác giả ký tặng độc giả trong buổi ra mắt sách. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

- Đọc cuốn hồi ký, tôi rất xúc động với những đoạn ông viết về mẹ và người thân. Gia đình có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong sự nghiệp và cuộc đời của ông?

Ông Trần Mai Hưởng: Với mẹ tôi hay bất cứ bà mẹ nào cũng vậy, nỗi lo lắng cho sự an toàn con cái cao hơn cho sự sống của bản thân mình. Vì vậy, khi đối mặt với cái chết trên chiến trường, điều mà tôi lo lắng hơn cả hiểm nguy là nỗi buồn của mẹ tôi.

Tôi chịu ơn sâu nặng của gia đình. Những năm tháng chiến tranh, hoàn cảnh hết sức khó khăn, phải chắt chiu, lam lũ, bố mẹ tôi vẫn vượt qua tất cả để nuôi dạy các con và nuôi dưỡng khát vọng cho anh chị em chúng tôi trong cuộc sống. Anh Trần Mai Hạnh là người đã định hướng cho tôi theo nghề báo. Tôi rất biết ơn vợ tôi, nhà giáo Bùi Thị Kim Vân, người đã dành tình cảm trọn vẹn cho tôi ngay từ những năm tuổi trẻ, gắn bó với tôi qua những năm tháng gay go nhất của cuộc sống, đặt trọn niềm tin vào tôi, gánh vác rất nhiều công việc gia đình, nuôi dạy các con để tôi yên tâm theo đuổi công việc mà nghề nghiệp đòi hỏi.

Tôi luôn mong mỏi các con, rồi đến các cháu lớn lên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, biết sống nhân nghĩa thủy chung, có tình thương yêu con người, có bản lĩnh, ý chí, khát vọng vượt lên mọi khó khăn, trở thành những công dân tốt, góp phần cho cuộc sống chung và từ đấy, xây dựng hạnh phúc cho cuộc sống riêng của mình.

- Thông qua cuốn hồi ký, ông có gửi gắm thông điệp gì đến thế hệ nhà báo hiện nay?

Ông Trần Mai Hưởng: Cuộc sống hiện nay có nhiều thay đổi. Hoạt động báo chí đã khác rất nhiều so với trước đây. Những thế hệ nhà báo lớp trước đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế hệ nhà báo trẻ hiện nay có nhiều thế mạnh, nhiều ưu điểm, được đào tạo tốt, đặc biệt là về khoa học công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng thế hệ các nhà báo hiện nay sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp của lớp cha anh, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, đưa nền báo chí nước ta lên ngang tầm nhiệm vụ của thời kỳ mới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nha-bao-tran-mai-huong-va-nhung-ky-uc-khong-quen-noi-chien-truong-ac-liet-post917059.vnp