Nhà băng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để 'rã băng' tín dụng

Trong chiến lược tăng trưởng tín dụng năm nay, bên cạnh việc tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, kinh doanh.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hà Nội, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 2/2024 ước đạt 3,688 triệu tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cuối năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân đang tăng lên.

Nhiều gói cho vay ưu đãi

Hầu hết các ngân hàng cho biết, trong chiến lược kinh doanh năm nay sẽ hướng đến phân khúc cho vay tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank thông tin, ngân hàng này định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mảng bán lẻ, trong đó sẽ dẫn đầu về cho vay tiêu dùng mua nhà ở...

Trong chiến lược kinh doanh năm nay, các ngân hàng sẽ hướng đến phân khúc cho vay tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Theo ghi nhận của VnBusiness, hầu hết các ngân hàng đều tung ra các gói cho vay ưu đãi, nhất là cho vay tiêu dùng như xây, sửa nhà, mua nhà, mua xe, mua nội thất. Chẳng hạn, các ngân hàng đang áp dụng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động trong khoảng 5% - 10,5%/năm. Sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8% - 13%/năm.

Đơn cử, tại Vietcombank, với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ôtô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay ưu đãi trong 6 tháng đầu chỉ từ 6,0%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); các khoản vay trung - dài hạn, lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm trong 6 tháng đầu.

Chị Hoàng Khánh Chi (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, đang tìm hiểu lãi suất và thủ tục vay tín dụng tiêu dùng khoảng 500 triệu đồng để mua nhà. Nhân viên ngân hàng khá nhiệt tình hỗ trợ, tư vấn về thủ tục, hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên, chị Chi băn khoăn là sau thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ tăng khá cao trong bối cảnh thu nhập chưa được cải thiện nhiều so với năm ngoái sẽ là “bài toán” khó với người vay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, mạnh dạn, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn để tiếp tục khắc phục các khó khăn hiện tại cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 15%, NHNN cho biết sẽ điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Trong văn bản mới đây, nhà điều hành đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới nhằm đẩy vốn ra thị trường.

Ngoài các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN cũng chỉ đạo ngân hàng thương mại quan tâm đối với tín dụng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực càng đẩy mạnh được sẽ càng tạo điều kiện thúc đẩy tăng khả năng tiêu dùng. Và, đẩy mạnh cầu tiêu dùng mới kéo theo cầu sản xuất được.

Cũng theo ông Tú, NHNN sẽ xem xét chỉnh sửa về mặt quy chế, cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các công ty tài chính cho vay hiệu quả hơn đối với lĩnh vực này. "Như vậy, không chỉ đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng mà còn góp phần hạn chế tín dụng đen. Đây là một trong những chủ trương, nhiệm vụ mà NHNN đặt ra ngay từ đầu năm nay", ông Tú khẳng định.

Cần chính sách kích cầu tiêu dùng

Ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc Sacombank Chi nhánh Thủ đô cho biết: "Trong năm 2023, Sacombank liên tục tung ra các gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với 5 lần giảm lãi suất. Và ngay trong đầu năm 2024, chúng tôi tiếp tục bổ sung thêm các nguồn vốn ưu đãi".

Năm nay, Sacombank bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng, nâng tổng gói vay ưu đãi lên 45.000 tỷ, lãi suất ưu đãi ở mức 6-7%/năm. Đặc biệt, các gói vay phục vụ đời sống mới có lãi suất hấp dẫn hơn, chỉ từ 6,5%/ năm, kéo dài đến hết 31/3/2024.

Hiện nay, các ngân hàng đang thiết kế những gói vay phù hợp, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của khách hàng với thủ tục rất thuận tiện.

"Thực tế, khách hàng chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân cơ bản, tùy vào mục đích vay, nhân viên sẽ tư vấn cụ thể. Người dân có thể vay 100% nhu cầu vốn, bao gồm cả mục đích tiêu dùng cũng như sản xuất kinh doanh để phục vụ cho nhu cầu cá nhân cũng như nhu cầu kinh doanh của mình", ông Tuấn thông tin.

Trong báo cáo chiến lược 2024 mới phát hành, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) kỳ vọng khi lãi suất cho vay mua nhà giảm về mức hấp dẫn hơn sẽ tạo động lực cho nhu cầu vay mua nhà quay trở lại kể từ nửa cuối năm 2024.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nhu cầu tiêu dùng khó tăng đột biến nếu chỉ phụ thuộc vào ngân hàng, bởi mảng cho vay mua nhà hiện nay không nhiều khả quan. Cụ thể, theo các chuyên gia của SSI Research, dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm 3% so với đầu năm 2023, dư nợ cho vay mua nhà vẫn sẽ khó hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 do giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023; nguồn cung về nhà giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19.

"Và quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành", chuyên gia SSI Research cho hay.

Do đó, bên cạnh lãi suất thấp, cần có sự thay đổi về pháp lý và hỗ trợ từ các chính sách để kích cầu tiêu dùng trong nước.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nha-bang-day-manh-cho-vay-tieu-dung-de-ra-bang-tin-dung-1098644.html