Nguyên nhân khiến doanh nghiệp vận tải hành khách ở Huế khốn đốn

Giá xăng dầu tăng cao, hành khách ít, xe ké hoạt động rầm rộ đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tại Thừa Thiên Huế gặp khốn đốn.

Bình thường như mọi năm, thời điểm tháng 5, 6 hoạt động vận tải hành khách tại bến xe phía Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động rầm rộ, khách ra vào nườm nượp, đặc biệt là tuyến đi các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, mọi sinh hoạt xã hội được “bình thường mới” nhưng tình trạng xe “đói khách” diễn ra khá phổ biến. Nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh thu không đủ bù chi và gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động, nếu không nói là bỏ tuyến, bỏ nốt.

Tình trạng xe ké hoạt động rầm rộ khiến hoạt động kinh doanh tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng gặp khó khăn

Theo Công ty Cổ phần Bến xe Huế, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày có hơn 130 đầu xe xuất bến đi các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 80 - 90 đầu xe xuất bến, bao gồm các tuyến vận chuyển hành khách đi các tỉnh phía Nam và tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng.

Cũng theo Công ty Cổ phần Bến xe Huế, bên cạnh việc ít khách đi xe thì giá xăng dầu tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các nhà xe. Mặc dù theo Thông tư Liên tịch 152 thì có thể tăng giá vé, nhưng nếu tăng giá cao quá thì khách lại không đi. Do đó, nhiều nhà xe bù lỗ rất lớn, có nhà xe đã bán bớt xe để có vốn trả nợ ngân hàng và sửa chữa số xe còn lại.

Ông Phạm Xuân Sơn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế cho biết, sau hơn 2 năm dịch bệnh, hoạt động vận tải mới hoạt động lại từ tháng 11/2021. Từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022 phương tiện hoạt động được 50% biểu đồ chạy xe do cơ quan quản lý tuyến phê duyệt. Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ duy trì được khoảng 70% biểu đồ chạy xe. Nguyên nhân là do nhu cầu đi lại của người dân còn thấp do e ngại dịch bệnh; nhiều doanh nghiệp vận tải sau hơn hai năm đã bị phá sản do không đủ chi phí trang trải. Bên cạnh đó, nhiều loại hình xe trá hình hình thành trong đợt dịch như xe ké, xe không luồng tuyến hoạt động nhiều nên ảnh hưởng đến phương tiện hoạt động trên tuyến cố định...

Ông Trương Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Minh Phương, tuyến xe khách Huế - TP. Hồ Chí Minh cho rằng, giá xăng dầu tăng cao, chi phí thay thế trang thiết bị xe tăng hơn 30% so với trước; các loại phí, thuế, lương cho tài xế, phụ xe tăng… đã làm cho doanh nghiệp vận tải hành khách khó khăn ngày càng khó khăn hơn.

“Trước đây, tuyến Huế - TP. Hồ Chí Minh chúng tôi có 20 đầu xe, tuy nhiên hiện chỉ hoạt động 8-9 xe, đồng thời bán bớt xe để gom vốn lại. Một phần trả lãi vay ngân hàng, còn lại phải sửa chữa lại xe. Hành khách đi xe ít, chúng tôi phải chở thêm hàng hóa mới lấy thu bù chi, thậm chí nhiều chuyến bị lỗ. Mong muốn Chính phủ giảm giá xăng dầu, các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ và cho vay lãi suất ưu đãi thì doanh nghiệp vận tải hành khách mới cầm cự được”, ông Trương Văn Nghĩa chia sẻ.

Là chủ đơn vị có 2 đầu xe chuyên tuyến xe khách Huế - TP. Hồ Chí Minh, anh Lào cho biết, mặc dù giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao nhưng chúng tôi chưa thể tăng giá vé, đồng thời lượng khách còn rất ít đã khiến chúng tôi vô cùng khó khăn, có thời điểm chỉ chạy 1 đầu xe để duy trì tuyến. “Trước đây, mỗi chuyến Huế - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại chi phí trọn gói chỉ 25-26 triệu, thì nay đã đội lên hơn 33 triệu đồng, thu không đủ bù chi khiến doanh nghiệp vận tải quá khó khăn, hoạt động cầm chừng”, anh Lào cho biết thêm.

Cảnh vắng lặng tại các quầy bán vé bến xe phía Nam

Một khó khăn khác khiến tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng gặp không ít khó khăn là tình trạng xe ké, xe dù (xe không đăng ký tuyến, xe trá hình) hoạt động rầm rộ.

Ông Võ Phi Cường - Tuyến trưởng tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng cho biết, giá xăng dầu tăng cao, nhưng Hiệp hội Vận tải tỉnh đã họp và phổ biến tinh thần với các nhà xe là không tăng giá vé nhằm đảm bảo được thị trường, hiện mức giá cố định 70 ngàn đồng/hành khách.

Tuy nhiên, tình trạng xe trá hình bùng phát mạnh khiến chúng tôi vô cùng khó khăn. Theo ông Võ Phi Cường, trước đây lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế ra quân quyết liệt để xóa bỏ xe ké, xe trá hình. Thời gian đầu làm rốt ráo, nhưng sau đó lại “đánh trống bỏ dùi”, đâu lại vào đó. Hiện, mỗi ngày có cả trăm xe chạy theo hình thức xe ké, nhưng việc xử lý, ngăn chặn từ lực lượng chức năng hầu như không có, hoặc rất ít. Chúng tôi lập cả danh sách, số xe gửi cho cơ quan chức năng nhưng tình trạng xe ké vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

“Hoạt động xe buýt liền kề xuất thân từ tuyến xe cố định tuyến Huế - Đà Nẵng. Sau khi có chủ trương xây dựng tuyến xe buýt liền kề chúng tôi đều chấp hành và sửa chữa nâng cấp xe, chịu tất cả các phí, thuế theo quy định. Mong muốn của chúng tôi là đưa loại hình xe ké, xe trá hình này vào hoạt động hợp pháp, đúng quy định, cùng nhau cạnh tranh, cùng nhau phát triển và người dân hai tỉnh Thừa Thiên Huế - TP. Đà Nẵng được hưởng lợi”, ông Võ Phi Cường nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Xuân Sơn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế, trước những khó khăn của các doanh nghiệp, công ty đang hỗ trợ cho các đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ tại bến xe. Miễn giảm truy thu số phiên, chuyến do dịch bệnh và khi xe không có khách. Đồng thời, động viên tuyên truyền một số chính sách ưu đãi của Nhà nước cho các đơn vị vận tải để được hưởng các chính sách. “Song song đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý tình trạng xe ké, xe không luồng tuyến, xe hợp đồng du lịch trá hình…”, ông Phạm Xuân Sơn cho biết thêm.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguyen-nhan-khien-doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-o-hue-khon-don-178780.html