Nguyễn Hữu Phú và 'Tiếng thở mùa'

5 năm gần đây, trong số những người tình nguyện ra Trường Sa dạy học, có một trường hợp vừa là thầy giáo trẻ vừa là nhà thơ, đó là Nguyễn Hữu Phú - hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Bạn đọc trong nước từng biết anh qua nhiều bài thơ đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương, địa phương, nhất là những bài thơ viết về Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mùa hè vừa rồi, sau 5 năm (kể từ tháng 5-2018), Nguyễn Hữu Phú đã trở về đất liền công tác, và rất đáng mừng là anh mới cho ra mắt bạn đọc cuốn sách đầu tay “Tiếng thở mùa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 9-2023) gồm 55 bài thơ viết về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống với nhiều tứ thơ giàu cảm xúc.

Điều đầu tiên người đọc có thể cảm nhận ở “Tiếng thở mùa” là một giọng thơ trong trẻo, chứa đựng nhiều thi ảnh, trong đó quê hương và tình yêu là 2 đề tài chính. Không khó để tìm thấy những bức tranh làng quê đầy sắc màu, đầy gợi cảm ở tập thơ. Đó là thôn xóm khi mùa xuân về trong bài thơ “Trên lối nhỏ”: “Tôi nhìn khói bếp tỏa la đà/bên giàn mướp những chú ong bay lượn/từng chồi non vươn mình trổ lá/nụ mai xanh dần hé nở cánh vàng/khúc nhạc xuân rộn ràng hát ca vang/bầy trẻ nhỏ chạy reo đùa khắp xóm”. Đó là buổi sáng yên bình trong bài thơ “Ngày Chủ nhật dịu dàng”: “Và sáng nay cơn gió lên xanh/nơi ban công có đôi chim chìa vôi về đậu/những tia nắng tinh khôi chạm vào ô cửa sổ/ngày Chủ nhật dịu dàng”. Có lúc Nguyễn Hữu Phú diễn đạt cảm nghĩ trực tiếp khi đứng trước bức tranh quê như một dòng sông, một cánh đồng, một chiếc cầu tre, một con đường làng…, cũng có lúc tất cả hiện lên thông qua nỗi nhớ, nhưng dù ở bình diện nào, tất cả đều luôn lung linh, chẳng hạn như khi tác giả diễn tả tâm trạng nhớ về quê xưa trong bài thơ “Chạm vào nỗi nhớ”: “Cánh đồng mênh mông đang thì con gái/tít tận bên kia sông cánh diều chao nghiêng/quê hương ngày trở về gió mát triền đê/thơm thơm mùi bùn non quyện vào câu ca dao mẹ ru thuở bé/hoa cỏ gà xước vào chân nghe tuổi thơ quay quắt/từng tàu lá chuối gom gió mát xanh”…

Sinh ra và lớn lên ở huyện Vạn Ninh - một vùng đất ven biển nên Nguyễn Hữu Phú rất yêu biển. Từ khi ra dạy học ở đảo Song Tử Tây (Trường Sa), tình yêu ấy càng được anh nâng lên và gửi gắm qua nhiều bài thơ. Nếu trước đây, Nguyễn Hữu Phú từng có những bài thơ về đề tài này được các báo giới thiệu như: “Lính thủy”, “Những ngọn sóng Trường Sa”, “Trường Sa… mưa”, “Những nụ cười sừng sững”, “Yêu lắm Trường Sa”… thì nay, trong tập thơ đầu tay có các bài như: “Trước biển”, “Sóng vỗ”, “Lời hát sớm nay”, “Nhớ mẹ”… Ở những bài thơ này, không chỉ có sóng gió, không chỉ chứa đựng những tình cảm thiết tha từ đất liền với vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc, mà còn phản ánh khá sinh động về cuộc sống, sinh hoạt của người dân, người lính trên đảo như: “Nơi đảo xa nối với đất liền một dải/câu nghĩa, câu tình quyện thành bài hát tình ca/hoa muống biển dịu dàng đong đưa bên chân sóng/anh ôm đàn em ngồi hát say sưa/từng cánh sóng vỗ vào ghềnh đá/ngày mới lên những điệp khúc rộn ràng/lá hát trên cây đàn chim về hội tụ/hoa bàng vuông ngan ngát hương đêm (Lời hát sớm nay).

Ở đề tài tình yêu, thơ Nguyễn Hữu Phú không có những câu thơ đi sâu diễn đạt tình yêu nồng cháy, say đắm một cách trực tiếp, mà hầu hết đặt tâm trạng của người đang yêu trong một khung cảnh nào đó. Tuy vậy, ở mảng đề tài này, có nhiều tứ, nhiều câu thơ của anh đã tạo được sự rung cảm đối với người đọc, chẳng hạn như: “Cũng tại nơi này vào một mùa thu xa/biển biêng biếc và trời cũng một màu biêng biếc/làn gió mơn man vuốt từng sợi tóc/em hồn nhiên/còn tim tôi cứ mãi bềnh bồng…” (Sóng vỗ). Và đây nữa, như một đoạn trong bài thơ “Yêu”: “Giọt mưa đầu mùa ươm thu vào lòng đất/nở bừng lên hương hoa cải sau nhà/con chuồn chuồn làm duyên ngúng nguẩy/bồi hồi yêu/… Anh đặt tay lên tia nắng dịu dàng/thấy tim mình cuộn trào, hừng hực cháy/lần khuy áo, cơn mơ tan chảy/ánh mắt khạo khờ”…

HOÀNG ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/nguyen-huu-phu-va-tieng-tho-mua-3c7514a/