Nguyên Bình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Để tạo khởi sắc cho 'tam nông' ngày càng phát triển, cấp ủy, chính quyền huyện Nguyên Bình ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại địa phương dần được hình thành, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, Nguyên Bình tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là đối với nhóm cây trồng chủ lực như: trúc sào, dong riềng, lê, thanh long, quế… Cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế các vùng sản xuất hàng hóa. Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cây trồng, phát huy lợi thế tiềm năng của địa phương. Kết quả, trồng trên 1.700 ha quế, 2.300 ha trúc sào, trên 200 ha lê, trên 50 ha mận, trên 40 ha thanh long, 5 ha dưa hấu; một số mô hình trồng nho, dâu tây gắn với du lịch trải nghiệm đem lại thu nhập cho bà con cao hơn trồng ngô lúa gấp nhiều lần.

Nguyên Bình đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là đối với nhóm cây trồng chủ lực như: thanh long, trúc sào, dong riềng, lê…

Hiện nay, huyện thực hiện hỗ trợ 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn về VietGAP như rau bắp cải xã Vũ Minh; quýt xã Hoa Thám, Tam Kim; lê xã Quang Thành, Thể Dục. Bên cạnh đó, phát huy các giá trị của cây trồng bản địa gắn với chuyển đổi cơ cấu theo hướng nghiên cứu, bổ sung một số loại cây trồng mới có năng suất, giá trị gia tăng cao để đưa vào sản xuất.

Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, Huyện ủy triển khai Chương trình số 08-CTr/HU ngày 30/12/2020 về phát triển cây quế và cây dược liệu dưới tán rừng giai đoạn 2020 - 2025. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tối đa nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; xây dựng mô hình thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện.

Từ năm 20216 đến nay, Công ty TNHH sinh học Ngân Hà triển khai thực hiện liên kết phát triển trồng trên 1.700 ha cây quế tại huyện, tập trung tại 5 xã trong vùng nguyên liệu, gồm: Minh Tâm, Vũ Minh, Tam Kim, Hoa Thám, Thịnh Vượng; hằng năm trồng từ 4 - 5 ha cây ấu tàu, chủ yếu tập trung tại các xã Triệu Nguyên, Yên Lạc, Vũ Nông, Ca Thành; 50,3 ha cây dổi ghép, trồng tại xã Triệu Nguyên, Thể Dục; 83,6 ha cây sa nhân tím trồng tại xã Ca Thành, Yên Lạc, Mai Long; 5 ha cây cát sâm tại xã Minh Tâm, Hoa Thám.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình, điều kiện tự nhiên và tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND huyện lựa chọn các vùng trồng dược liệu quý, khu trồng dược liệu quý ứng dụng công nghệ cao và điểm xây nhà máy chế biến dược liệu tại các xã: Thịnh Vượng, Minh Tâm, Vũ Minh, Tam Kim, Hoa Thám và Thành Công. Việc thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân tăng cường tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất.

Tuy nhiên, huyện vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định như: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, nguồn tự chủ, vốn đối ứng từ nhân dân chưa đáp ứng được so với mục tiêu đề ra; chưa thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chế biến sản phẩm. Diện tích canh tác còn nhỏ lẻ, không tập trung, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế dẫn đến việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng các tiêu chí trong đánh giá các sản phẩm thực hiện chương trình OCOP còn gặp khó khăn.

Người dân xóm Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình) thu hái chè.

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025, huyện đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện vận động nhân dân đóng góp trên 1,6 tỷ đồng; hiến 32.000 m² đất làm đường, kênh mương thủy lợi, nhân dân đóng góp vật liệu và trên 2.000 công lao động. Qua rà soát, đánh giá, bình quân toàn huyện đạt 8,467 tiêu chí/xã.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM với mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 5%/năm; tổng sản lượng lương thực trên 24.000 tấn, giá trị sản phẩm trồng trọt đạt 48 triệu đồng/ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%; tổng đàn lợn tăng 4%/năm; đàn gia cầm tăng 7%/năm; đàn trâu, bò tăng 2%/năm…

Để đạt được mục tiêu trên, huyện xác định cần phải tiếp tục đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế để có những chủ trương, giải pháp sát thực tiễn của địa phương. Trong đó, thực hiện hiệu quả Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ đạo các địa phương tập trung khai thác và tận dụng tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm các ngành hàng chủ lực; triển khai các mô hình sản xuất, dành nguồn lực hỗ trợ các đề án, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động để nhân dân thấu hiểu sâu sắc hơn chủ trương, ý nghĩa khi thực hiện thành công NTM và những thành quả NTM mang lại mà chính người dân là đối tượng thụ hưởng, từ đó, tạo chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguyen-binh-day-manh-tai-co-cau-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-3166543.html