Nguy hại khôn lường khi sử dụng thuốc giả

Theo các chuyên gia y tế việc sử dụng thuốc giả sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường tới sức khỏe con người.

Sử dụng thuốc giả sẽ khiến người bệnh tiền mất tật mang.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả. Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo mức độ nguy hiểm của thuốc giả trên phạm vi toàn cầu khi mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.

Thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho thấy, thuốc giả đã phát hiện ở nước ta bao gồm cả tân dược và đông dược, cả nhập khẩu và sản xuất trong nước. Rất nhiều loại thuốc chữa bệnh mạn tính hay bị làm giả như thuốc chứa corticoid, thuốc ức chế vi rút, thuốc bột Biolactyl, thuốc viên nén bao phim Chlorpheniramin Maleat. Những loại thuốc đắt tiền như thuốc chữa ung thư, kháng sinh mạnh cũng đã xuất hiện thuốc giả.

Các chuyên gia y tế cảnh báo thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng nếu không may dùng phải thuốc giả thì không những thất bại trong điều trị mà còn tăng độc tính, tăng kháng thuốc và bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong. Theo lời một bác sỹ của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị cũng tiếp bệnh nhân bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân vì sao. Chỉ đến khi tiến hành siêu âm ổ bụng mới phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân có rất nhiều các vỏ thuốc hình con nhộng. Do loại thuốc bệnh nhân uống là thuốc giả nên không được hoà tan như thuốc thật và thứ bột trong trong các viên thuốc giả đã ứ đọng trong dạ dày và gây ngộ độc toàn thân. "Bệnh nhân uống phải thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn rước thêm bệnh. Ngộ độc nhẹ có thể qua khỏi, còn ngộ độc nặng có thể dẫn tới suy thận, suy gan, nhiễm trùng máu và tử vong", vị bác sỹ này cho biết.

Bác sỹ Lê Tuấn Thành, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng với bệnh nhân ung thư thuốc giả có tác hại rất lớn bởi thành phần không rõ ràng, có thể chứa độc chất nào đó đối với cơ thể, hoặc hàm lượng không đủ để đảm bảo khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Bởi một trong những đặc tính của mầm bệnh (tế bào ung thư hay vi khuẩn, nấm…) đó là tính nhờn thuốc, nghĩa là nếu thuốc không đủ nồng độ đến mầm bệnh thì có thể kích hoạt cơ chế thích nghi, do vậy dẫn đến kháng thuốc và người bệnh có thể tử vong.

Hiện nay, việc kiểm tra chất lượng thuốc được tiến hành tiền kiểm và hậu kiểm bởi hai hệ thống: Phòng kiểm nghiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc của Nhà nước với 63 trung tâm kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh thuốc giả ngày càng tinh vi, phức tạp khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện.

Để ngăn chặn thuốc giả theo dược sỹ Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Trung ương 71, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và phải tăng chế tài xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả để tăng tính răn đe. “Việc kiểm tra, giám sát tất cả các mẫu thuốc ngay từ khâu bào chế sản xuất, nhất là các nguyên liệu ban đầu như dược liệu, thuốc Đông dược, dạng bào chế nhiều thành phần, các dược chất và dạng bào chế kém ổn định về chất lượng sẽ góp phần hạn chế thuốc giả. Bên cạnh đó, các viện kiểm nghiệm thuốc nên tăng cường lấy mẫu kiểm tra đánh giá chất lượng thuốc, phát hiện và thu hồi kịp thời thuốc kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi chính đáng được sử dụng thuốc chất lượng để điều trị bệnh của người dân”, dược sỹ Lê Quốc Thịnh nói.

Đầu năm 2010, Cơ quan Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây sản xuất thuốc tân dược giả với quy mô lớn do Huỳnh Ngọc Quang (SN 1982, Giám đốc Cty cổ phần dược phẩm Việt Pháp) cầm đầu. Đây là đường dây sản xuất thuốc tân dược giả với khoảng 40 loại thuốc được làm giả.

Đầu tháng 5/2011, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã phát hiện thuốc kháng sinh Zinnat dạng viên 500 mg bị làm giả với số lượng lớn. Mẫu thuốc không có phản ứng định tính của Cefuroxim axetil. Được biết Zinnat là dòng thuốc kháng sinh mạnh, đắt tiền được sử dụng khá phổ biến cho cả người lớn và trẻ em tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ đội biên phòng chỉ tính riêng trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các đồn, trạm biên phòng trong cả nước đã bắt giữ hơn 30 vụ buôn bán, vận chuyển các loại tân dược, dược liệu giả, kém chất lượng qua biên giới.

Trong 6 tháng năm 2015, Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 3 vụ, thu giữ hàng nghìn lọ tân dược các loại nhập lậu từ Trung Quốc.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nguy-hai-khon-luong-khi-su-dung-thuoc-gia.aspx