Người thương binh... đi lạc

Chiều muộn, từ trong doanh trại nhìn ra con đường liên huyện chạy ngang qua cổng đơn vị, Đại úy Nguyễn Văn Kêm, Trợ lý Thanh niên Lữ đoàn Tăng thiết giáp 574 (Quân khu 5) thấy một người đàn ông lớn tuổi, dáng vẻ thất thần, mệt mỏi đang ngồi bệt ở vệ đường, cạnh đó là chiếc xe đạp cũ nằm chỏng chơ.

Lo lắng cho sức khỏe của người đàn ông, anh Kêm vội chạy ra đỡ dậy và thăm hỏi, động viên. Qua trò chuyện, người đàn ông cho biết mình tên là Tuấn, nhà ở Đà Nẵng, đi lạc hơn hai ngày và không nhớ đường về nhà. Anh Kêm tìm cách gợi chuyện để ông Tuấn nhớ lại địa chỉ nhà và số điện thoại của người thân, nhưng các số điện thoại ông Tuấn cung cấp đều không đúng.

Ông Trương Công Tuấn (ngồi giữa) cùng các cán bộ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 574 trước lúc chia tay.

Biết được sự việc, Trung tá Nguyễn Văn Qui, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn và Thượng úy Phạm Minh Tuyển, Trung đội trưởng Trung đội Vệ binh (Phòng Tham mưu) vội đi ra, mời ông Tuấn vào đơn vị để nhân viên quân y thăm khám, kiểm tra sức khỏe, song ông một mực chối từ. Cuối cùng, các anh đành mời ông Tuấn ra một quán nước để nghỉ ngơi. Gần nửa giờ sau, khi đã trấn tĩnh trở lại, ông Tuấn mới chậm rãi kể: “Tôi tên là Trương Công Tuấn, năm nay 65 tuổi. Trước đây, tôi từng tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia và bị thương nên đầu óc lúc nhớ lúc quên. Nhà tôi ở số 16 đường Đỗ Tự, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Tôi đạp xe từ nhà lên trụ sở UBND phường dự buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, thế rồi chẳng hiểu vì sao lại đi lạc đến tận đây”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Tuấn mở túi áo ngực lấy ra một chiếc bọc nhỏ, bên trong có căn cước công dân, giấy chứng nhận thương tật. Từ số điện thoại ông Tuấn cung cấp, các chiến sĩ đã liên hệ, kết nối được với vợ, con ông ở Đà Nẵng, cách đơn vị gần 50km. Theo lời kể của gia đình, trưa 25-7, không thấy ông Tuấn về nhà ăn cơm như thường lệ, cả nhà vội tỏa đi tìm và trình báo nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ nhưng vẫn không có kết quả. Giờ đây, biết ông vẫn bình an, gia đình rất vui mừng. Trước khi chia tay, anh Qui đề nghị đơn vị cho “cắt” mấy suất cơm tối để đưa ông Tuấn ra quán nước, mời ông bữa cơm giản dị.

Sau bữa cơm, do đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đành thuê một người dân địa phương đưa ông Tuấn về tận nhà bằng ô tô. Riêng chiếc xe đạp cũ của ông Tuấn, có dịp thuận tiện, anh em sẽ chuyển ra sau. Trước nghĩa cử, tình cảm của những người lính, chị Trương Ngọc Tuyết-con gái ông Tuấn cảm kích: “Tôi từng nghe bố mình kể nhiều về tình cảm đồng chí, đồng đội trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, hy sinh. Hôm nay, chứng kiến những việc làm tận tâm, trách nhiệm của các anh, tôi càng cảm nhận rõ về tình cảm thiêng liêng, đặc biệt này. Bộ đội Cụ Hồ thời nào cũng vậy, luôn hết lòng, hết sức vì dân. Gia đình tôi rất trân trọng, cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các anh”.

Bài và ảnh: AN KHANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nguoi-thuong-binh-di-lac-737379