Người thầy đức cao từ chối quan tước chúa Nguyễn

Sinh thời, ông lấy việc 'trồng người' làm trọng, không màng vinh hoa phú quý nên dù được chúa Nguyễn vời ra giúp nghiệp trung hưng, ông từ chối mà nguyện làm thầy đồ nơi thôn dã.

Dạo nửa cuối thế kỷ 18, chiến tranh Tây Sơn - chúa Nguyễn diễn ra ác liệt nơi miệt đất Đàng Trong. Vùng Đồng Nai - Gia Định thành bãi chiến trường, dân tình loạn lạc, lưu tán khắp nơi, nhưng việc giáo dục thì đây đó vẫn phát triển dẫu chưa hệ thống. Trường lớp công dẫu chưa mở được, nhưng đó đây vẫn có trường tư do các thầy đồ mở ra, trong đó có trường của thầy Võ Trường Toản (?-1792).

Chẳng màng phú quý vinh hoa

Theo Đại Nam nhất thống chí, thầy giáo Võ người đất huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (huyện Bình Dương thuở xưa không phải tỉnh Bình Dương nay). Còn Gia Định xưa và nay thì cho biết quê hương của bậc túc nho ở dinh Quảng Đức thuộc miền Trung, sau mới dời vào đất huyện Bình Dương cư ngụ.

Khi tìm hiểu về nghiệp đèn sách của thầy Võ, Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945) có cho hay “Tiên sinh thụ nghiệp ai, hiện cũng chưa rõ được nguồn gốc”. Nhưng về học vấn, thì Võ Trường Toản quả là người uyên thâm mà Văn học Nam Hà (văn học Đàng Trong thời phân tranh) có ghi lại: “chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn đầy đủ, chất thật, có thuật nghiệp, thâm uyên thông đạt”. Trong mộ chí đề nơi mộ cụ do quan Phan Thanh Giản soạn được ghi lại nơi bài “Võ Trường Toản” đăng trên Tri Tân tạp chí số 1, ngày 3/6/1941 có đoạn: “Lại nghe: tiên sinh học rộng các kinh, và sở trường về bộ Tứ thư. Dật Nhân Chiêu vốn là người túc học, chỉ theo tiên sinh mà nhận lĩnh được cái nghĩa “tri ngôn, dưỡng khí”. Từng thấy trong sách tiên sinh còn sót lại có nói: “Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tan ra, vô số việc; thu lại, chỉ hai trăm chữ; lại thu nữa, chỉ một chữ; lại thu hẳn lại, một chữ cũng không”. Ấy cái học của tiên sinh đã đến tận chỗ lớn lao và tinh vi là như vậy”.

Thầy đồ dạy học thời xưa.

Với học vấn uyên thâm cùng đức hạnh cao khiết, thầy Võ được người trong vùng biết tiếng đến xin học. Từ đây những tên tuổi lớn qua bàn tay đào tạo của thầy dần thụ nghiệp thành tài, về sau đa phần trở thành những công thần khai quốc của nhà Nguyễn, trong đó nổi bật có Trịnh Hoài Đức tác giả Gia Định thành thông chí, Ngô Tùng Châu không chịu khuất Tây Sơn tự thiêu nơi lầu Bát Giác ở thành Hoàng Đế, Lê Quang Định tác giả Hoàng Việt nhất thống dư địa chí hay Ngô Nhân Tĩnh tác giả Gia Định tam gia thi tập… đều là danh sĩ ở đời.

Tiếng tăm của thầy Toản vang khắp chốn đất Gia Định, thế nên khi chúa Nguyễn Ánh lấy được đất này năm Đinh Mùi (1787) đã vời thầy ra làm quan giúp nghiệp trung hưng. Nhưng vốn bỏ mộng công danh, thầy giáo Võ xin được chuyên tâm theo nghiệp “trồng người”. Đại Nam liệt truyện cho hay, tôn trọng sở nguyện của ông, chúa Nguyễn khi “đóng ở Gia Định, thường vời vào ra mắt, khen là người cao thượng”.

Không để mộ thầy nơi đất giặc

Về sự nghiệp trước tác của Võ Trường Toản, nay còn lưu truyền bài Hoài cổ phú do ông viết, được sách Võ Trường Toản của Nam Xuân Thọ cho biết qua đó “cũng đủ rõ lòng cụ chứa lai láng đạo nghĩa thâm trầm”, thể hiện khả năng nhận biết được sự tuần hoàn, biến dịch của thiên nhiên, thế sự như những câu dưới đây:

Đường Ngu ấp tổn rượu ba chung, dường say dường tỉnh; Thang Võ chinh tru cờ một cuộc, thoạt đặng thoạt thua.

Của có không nào khác khóm mây; Người tan hiệp dường như bọt nước.

Lánh non Thú cam bề ngạ tử hai con Cô trúc đã về đâu? Luyện linh đan lo chước trường sinh, bốn lão Thương san hà bặt dấu!

Mộng tàn nửa gối, bướm Trang Chu giấc hỡi mơ màng; Xuân lụn mấy canh, quyên Thục đế tiếng còn khấp khởi.

Năm Nhâm Tý (1792), thầy giáo họ Võ mất tại Gia Định. Chúa Nguyễn Ánh nghe tin lấy làm thương tiếc lắm, Nam Kỳ danh nhân cho biết chúa ban tên hiệu “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” (Võ tiên sinh là bậc xử sĩ ở Gia Định có tài đức cao dày) để khắc lên bia mộ. Lại ban cho đôi liễn truy điệu mà theo Những danh sĩ miền Nam ghi có nội dung là:

Triều hữu huân danh bán thuộc Hà phần cựu học;

Đẩu nam phong giáo, tề khâm Nhạc lộc dư uy.

(Triều đình huân danh, phân nửa thuộc học thuật cũ Hà Phần;

Trời Nam phong giáo toàn bộ nhờ danh tiếng thừa Nhạc Lộc).

Tượng thầy giáo Võ Trường Toản tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Dù mất đi, nhưng người đời sau nơi vùng đất mới Nam Bộ vẫn xem thầy Võ là bậc túc nho khai mở cho nho học đất này. Những bậc danh nho nức tiếng đất Nam Bộ đời sau như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản… dù không phải là học trò nhưng luôn dành sự trân trọng cho tiền nhân.

Ban đầu, thi hài Võ Trường Toản được an táng tại làng Hòa Hưng. Nhưng khi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không muốn để mộ phần thầy ở nơi đất nhượng địa của “giặc Tây” nên quan nhà Nguyễn là Phan Thanh Giản cùng Đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông và Hiệp trấn An Giang là Phạm Hữu Chánh cải táng về làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An là quê Phan Thanh Giản, nay thuộc xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Khi cải táng, đích thân Phan Thanh Giản soạn bài văn bia để khắc lên mộ, ngợi khen học vấn, công nghiệp của Võ Trường Toản đối với sĩ dân Nam Kỳ cùng lý do cải táng thi hài ông về đất Bảo Thạnh. Dẫu bài văn bia được soạn ngày 28 tháng 3 năm Đinh Mão (1867), nhưng do binh lửa chiến tranh, đến năm Nhân Thân (1872) việc ấy mới hoàn thành. Nội dung bài văn bia ấy, nay còn lưu trong Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945).

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-thay-duc-cao-tu-choi-quan-tuoc-chua-nguyen-post1014238.html