Người lao động tự do miệt mài mưu sinh trong dịp nghỉ lễ

Không giống như đại đa số người dân về quê, nghỉ ngơi hay đi du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều người lao động tự do vẫn tranh thủ những ngày lễ ra đường để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực cổng bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội), những người làm nghề chạy xe ôm, bán phụ kiện dạo, đánh giày,... vẫn lặng lẽ mưu sinh, ai cũng trong tâm thế chờ khách.

Những ngày này, nhịp sống của họ vẫn không khác gì ngày thường, người khiêng, kẻ gánh mưu sinh. Với họ, được nghỉ lễ trong ngày Quốc tế lao động là điều xa xỉ.

Nhiều tài xế xe ôm tập trung ở các bến xe chờ khách.

Nguyễn Hoàng Việt (21 tuổi, sinh viên Đại học Giao thông vận tải) dậy từ lúc 8h sáng để chạy grab. Mãi tới gần 10h sáng, anh mới nhận được một chuyến chở hàng đầu tiên. Việt cho hay, dù đang là sinh viên nhưng hoàn cảnh khó khăn, nên Việt vẫn lựa chọn ở lại thành phố, tranh thủ chạy grab để kiếm thêm thu nhập sau nhiều tháng học online tại nhà.

“Đôi khi tôi cũng tủi thân thật vì bạn bè hầu như đều về quê nghỉ ngơi hoặc đi du lịch còn mình thì vẫn đi kiếm sống. Ngày lễ, ở thành phố cũng vắng người nên tôi nhận được ít chuyến nhưng cũng phải “đóng cọc” ở đây kiếm được cuốc nào hay cuốc nấy”, nam sinh viên này chia sẻ.

Còn với những người phụ nữ kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu, họ chưa từng dám nghỉ một ngày nào. Đối với chị Nguyễn Thị Nhàn (34 tuổi, Cầu Giấy) chị đều tất bật đi từng con phố thu mua phế liệu, không kể ngày nắng mưa hay dịp lễ. Tuy nhiên, ngày lễ, hầu hết các hàng quán tại Hà Nội đều đóng cửa nên số lượng ve chai thu mua cũng giảm sút.

Điểm thu mua sắt vụn vẫn diễn ra như ngày thường.

Cuối ngày, chị và nhiều người khác đều tập trung vào một điểm tập kết phế liệu để cân từng bì sắt vụn. Chủ nơi tập kết sẽ cân đo và tính tiền trả luôn theo ngày cho mỗi người. Tuy nhiên, thu nhập của chị gom góp cũng chỉ tầm vài triệu mỗi tháng, chi tiêu dè dặt cũng đủ cho gia đình.

“Ngày lễ tôi cũng muốn ở nhà nghỉ ngơi với các con nhưng không đi thì không có tiền. Tôi cứ đi vào các ngõ ngách, người dân họ cho hoặc nhiều thì họ bán phế liệu, ngày cũng tầm 100.000 - 200.000 đồng. Không nhiều nhưng cũng thêm pha vào tiền học cho các con”- Chị Nhàn cho hay.

Thấy nhiều trẻ em được bố mẹ dắt đi chơi công viên, xem thú vào dịp nghỉ lễ, chị Nhàn cũng không tránh được sự buồn bã nhưng công việc vất vả, khó khăn, chị cũng không dám bỏ làm một ngày.

Giữa trưa, nắng nóng nhưng các hoạt động vệ sinh môi trường vẫn được thực hiện.

Ngồi bên vệ đường chờ khách, ông Cao Văn Chung (57 tuổi, Nam Từ Liêm) làm nghề xe ôm truyền thống chẳng bao giờ biết tới ngày nghỉ lễ là gì. Mưu sinh trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông Chung chật vật lắm mới trụ qua thời gian dịch bệnh. Nhưng nghề xe ôm truyền thống vốn đã không còn được nhiều khách hàng lựa chọn, thu nhập của ông cũng trở nên bấp bênh hơn.

Tuy vậy, hàng ngày, dưới góc phố quen thuộc trên đường Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm), ông Chung vẫn lặng lẽ chờ khách, bởi ông sợ nghỉ một ngày sẽ “mất mối” quen.

Tài xế xe ôm truyền thống “mòn mỏi” chờ khách.

“Nghề tự do này làm gì có ngày nghỉ, dù tôi muốn nghỉ cũng không dám nghỉ. Bây giờ người ta chuộng xe ôm công nghệ, ít khi đi xe ôm truyền thống nên ngày được dăm ba cuốc xe là mừng rồi. Như ngày 28,29/4 thì còn kiếm được nhiều chuyến chở khách đi bắt xe về quê chứ như ngày hôm nay thì khó kiếm thêm khách nữa rồi”.

Nhiều lúc ế khách, nhiều tài xế xe ôm tranh thủ ngả lưng ngay trên chiếc xe máy của mình. Người lái xe ba gác còn mang theo võng mắc ngay trên xe để nằm nghỉ. Với họ, ngày lễ cũng như ngày thường, không có khách thì sẽ không có thu nhập

Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau nhưng họ đều phải chật vật mưu sinh trong những ngày cả nước đang tận hưởng dịp nghỉ lễ. Ngày Quốc tế lao động có lẽ đã bị chính những người lao động tự do “lãng quên”.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-lao-dong-tu-do-miet-mai-muu-sinh-trong-dip-nghi-le-post192427.html