Người Hà Nhì bảo vệ biên cương

Những ngày đầu Xuân, trong tiết trời còn se lạnh, chúng tôi đi qua những con đường đèo dốc ngoằn ngoèo, hiểm trở đến với Thu Lũm. Chúng tôi phải di chuyển gần 8 giờ đồng hồ bằng xe ô tô từ trung tâm thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu mới đến được nơi đây. Thu Lũm là xã biên giới xa xôi thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, tiếp giáp với Trung Quốc, nơi đây có 15 cột mốc biên giới.

Thượng úy Chu Ha Phạ (ngoài cùng, bên trái) cùng cán bộ đơn vị và lực lượng dân quân thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Thùy Giang

Những ngày lưu trú tại đây, chúng tôi được chứng kiến những đổi thay của Thu Lũm so với trước đây, nhất là cuộc sống thường ngày của bà con dân bản. Những người Hà Nhì ở Thu Lũm vẫn hằng ngày lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương. Bản sắc văn hóa dân tộc được nhân dân giữ gìn, phát huy đậm nét, nhất là những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

"Đường biên giới ở Thu Lũm khoảng 40km, không có chỗ nào chú chưa đặt chân đến. Anh em BĐBP trẻ khi mới đến Thu Lũm nhận công tác còn bỡ ngỡ, cứ gọi chú là chú sẵn sàng đi cùng để chỉ đường" - ông Chu Xé Lù bộc bạch.

Chúng tôi ấn tượng với những con người mang vẻ ngoài giản dị nhưng lại có ý chí, tinh thần, trách nhiệm lớn lao đối với việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Điển hình là ông Chu Xé Lù (sinh năm 1968), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thu Lũm, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm.

“Ông Chu Xé Lù là người có uy tín, có nhiều cống hiến cho nhân dân xã Thu Lũm và có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với BĐBP. Không chỉ thế, các con, cháu của ông đang góp phần bảo vệ biên giới dù ở bất cứ vị trí nào” - Thiếu tá Cao Văn Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu khẳng định.

Bên chén trà nóng, ngồi trong ngôi nhà trình tường, ông Chu Xé Lù tự hào chia sẻ với chúng tôi: “Chú có 2 người con trai, 1 con rể cùng các cháu hai bên nội, ngoại, tổng số gần 20 người đang công tác trong Quân đội". Ông Chu Xé Lù sinh ra và lớn lên ở Thu Lũm, có 32 năm làm cán bộ xã. Từ ngày đường biên giới chưa phân giới, cắm mốc, ông đã tham gia đội dân quân tự vệ, đi tuần tra biên giới cùng với BĐBP.

Sau này, khi những cột mốc được cắm, những nơi xa nhất, đường đi khó nhất ở Thu Lũm là các cột mốc số 28, 32, 33, ông Chu Xé Lù đều đã đến. Trong suốt những năm tháng bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới, có bao nhiêu khó khăn, hiểm nguy nhưng ông vẫn không nề hà, một lòng bảo vệ mảnh đất biên cương.

Con trai thứ 2 của ông Lù là Thượng úy Chu Ha Phạ (sinh năm 1993), hiện nay là Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu. Công việc khó khăn, nhưng Chu Ha Phạ chưa bao giờ lùi bước, luôn cố gắng vươn lên, không phụ công ơn của Đảng, Nhà nước đã chăm lo, giáo dục Phạ từ những năm học thiếu sinh quân tại Trường Quân sự Quân khu 2. Vết sẹo trên tay anh vẫn còn đó cùng năm tháng, là minh chứng cho lần bắt tội phạm ma túy nguy hiểm. Thượng úy Chu Ha Phạ có em trai là Chu Xú Phạ (sinh năm 1998), hiện đang được đào tạo tại Trường Sĩ quan Công binh tại tỉnh Bình Dương.

Ông Chu Xé Lù còn tự hào khi có người con rể là Trung úy Pờ Lỳ Xá, nhân viên Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu. Trước đó, trong thời điểm tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, anh thực hiện nhiệm vụ tại chốt trực số 24 của Đồn Biên phòng Thu Lũm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng úy Chu Ha Phạ tuyên truyền, vận động nhân dân xã tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Thùy Giang

Nói đến công việc tuần tra biên giới, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống tội phạm..., hai anh em Phạ, Xá kể với chúng tôi rất nhiều kỷ niệm. Không thể nói hết những vất vả ở miền đất khó khăn này nhưng các anh vẫn luôn lạc quan, yên tâm công tác, gắn bó với bà con dân bản.

“Ở bản từ nhỏ, thuộc từng tấc đất, việc tuần tra vừa là nhiệm vụ, vừa như một thói quen. Chúng tôi cũng không thấy vất vả, chỉ mong góp sức bảo vệ được vẹn nguyên đường biên, cột mốc quốc giới, bảo đảm an ninh và giữ gìn cuộc sống bình yên cho bà con dân bản” - Thượng úy Chu Ha Phạ chia sẻ.

Chúng tôi vô cùng xúc động khi Thượng úy Chu Ha Phạ "thuộc làu" số kilomet đường biên giới, chính xác đến từng con số lẻ. Mỗi đồn Biên phòng anh từng công tác, có bao nhiêu cột mốc, anh như khắc sâu vào trong tâm trí. “Đồn Biên phòng Pa Ủ quản lý, bảo vệ 5 cột mốc; Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử quản lý, bảo vệ 31,556km đường biên giới với 7 cột mốc...” - Thượng úy Chu Ha Phạ kể với chúng tôi.

Qua những câu chuyện, chúng tôi lại biết thêm, bố của anh Pờ Lỳ Xá - ông Pờ Hừ Lòng (sinh năm 1950) là cựu chiến binh. Với những câu chuyện dài nối tiếp, chúng tôi chợt nhận ra rằng, ở mảnh đất này, đồng bào rất yêu quý, trân trọng những người lính Biên phòng. Trong mỗi chuyến tuần tra, luôn có bà con đi cùng BĐBP, có cả nam, cả nữ. Mỗi người dân vùng biên đều nâng cao tinh thần giữ đất, mỗi người là một "chiến sĩ", mỗi bản làng là một "pháo đài".

Chúng tôi ra về khi những đóa hoa dã quỳ, những lau lách "đùa vui" hai bên đường. Đỉnh Pu Si Lung là đỉnh núi cao thứ 3 Việt Nam, nằm sát đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, gần với cột mốc biên giới số 42. Biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, nơi có những cảnh vật hoang sơ, kỳ vĩ và có cả những con người bình thường nhưng vĩ đại, ngày đêm giữ đất quê hương. Họ chính là những “cột mốc sống” bảo vệ biên cương.

Thùy Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-ha-nhi-bao-ve-bien-cuong-post472767.html