Người dân tộc La Chí chung tay xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Trong đời sống của người dân tộc La Chí vẫn còn một số tập quán lạc hậu kéo dài nhiều năm mà chưa xóa bỏ được ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân. Việc từng bước xóa bỏ các hủ tục ấy là sự cần thiết và đang được người dân tộc La Chí chung tay thực hiện.

Tập quán lạc hậu là một trong những rào cản với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương, cộng đồng. Từng bước xóa bỏ hủ tục trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số là cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương.

Là một trong những dân tộc thiểu số, người La Chí ở nước ta cũng vẫn còn một số tập quán lạc hậu kéo dài nhiều năm mà chưa xóa bỏ được ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân. Theo số liệu Điều tra 53 DTTS năm 2019, dân số dân tộc La Chí có 15.126 người. Người La Chí cư trú chủ yếu Hà Giang và Lào Cai. Riêng ở Tuyên Quang, người La Chí có khoảng 100 người, sống phân tán ở các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương.

Tập trung đông người dân tộc La Chí nhất là ở 4 xã: Bản Phùng, Bản Díu, Bản Pắng và Bản Máy thuộc huyện Xín Mần, kế đến là ở các huyện Hoàng Su Phì và Bắc Quang. Ngoài ra, họ còn cư trú rải rác ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang...

Ảnh minh họa.

Trong đời sống văn hóa ẩm thực, người La Chí có nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào là món da trâu sấy khô và thịt ướp chua. Rượu là đồ cúng và đồ uống thông dụng trong đời sống hằng ngày họ. Theo chia sẻ người La Chí nơi đây, trước đây khi có người qua đời là bản làng giết mổ nhiều trâu, bò, lợn để cúng ma và đi chôn cất, sau 13 ngày mới tổ chức đám ma khô, tiếp tục mổ trâu để cúng, mời cả làng và anh em họ hàng gần xa đến viếng, các nghi lễ rườm rà, chia thịt trâu bò cho thầy cúng và anh em nội, ngoại. Con trâu hoặc bò được mổ trong ngày cúng đó chỉ ăn được trong 1 ngày không để qua ngày sau…. Nhiều gia đình khó khăn không có phải bán ruộng, đất hoặc vay mượn… để mua trâu, bò.

Những hủ tục lạc hậu này không chỉ tốn kém về kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi khâu bảo quản, chế biến… không đảm bảo. Ngoài ra, nhận thức của người dân còn hạn chế nên tình trạng ngộ độc từ những hoa quả rừng vẫn còn xảy ra.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030.

Địa phương nơi người La Chí sinh sống đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia, gắn với xây dựng Nông thôn mới, xây dựng quy ước, hương ước nếp sống văn minh ở thôn, bản. Các tập tục lạc hậu được đồng bào La Chí dần xóa bỏ.

Bên cạnh công tác đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lệch lạc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm… Đồng bào đã phát huy vai trò của già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong thực hiện chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm, tạo sức răn đe hiệu quả.

Nhờ đó, trong đám ma hiện nay đã giảm bớt việc giết mổ trâu, bò, một số thủ tục rườm rà không cần thiết đã dần được xóa bỏ. Đặc biệt, khi người La Chí ốm đau, bệnh tật đã chủ động đến các cơ sở y tế, hạn chế việc cúng, bói, gọi hồn…; trong việc hiếu, đặc biệt người chết đưa vào áo quan, không tổ chức tang lễ dài ngày, không mổ trâu, bò để chia thịt…

Chính công tác tuyên truyền, vận động và sự hưởng ứng tích cực của dân tộc La Chí trong việc xóa bỏ hủ tục đã góp phần quan trọng thúc đẩy đời sống của người dân cải thiện. Đây cũng chính là những bước tiến vững chắc trong việc thực hiện xây dựng Nông thôn mới và từng bước đưa đồng bào dân tộc thiểu số La Chí thoát nghèo bền vững.

Gia Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-toc-la-chi-chung-tay-xoa-bo-hu-tuc-lac-hau-169230930110532945.htm