Người dân nói gì trước thông tin buýt nhanh BRT có thể bị 'khai tử'?

Sau hơn 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT tỏ rõ sự 'hụt hơi' trong việc thu hút người người dân sử dụng các phương tiện công cộng và chưa thể kéo giảm ùn tắc tại Thủ đô.

Video toàn cảnh dự án buýt nhanh BRT trước thông tin có thể bị 'khai tử' trong tương lai:

Tuyến buýt nhanh BRT không tỏ rõ những ưu điểm sau 7 năm sử dụng, trái lại còn lộ ra những hạn chế khi chiếm dụng phần lớn lòng đường và di chuyển chậm trong khung giờ cao điểm.

Ngày 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023. Trong buổi làm việc, Đoàn giám sát đặt vấn đề liệu Hà Nội có nên tiếp tục xây dựng các tuyến buýt nhanh BRT còn lại theo quy hoạch hay không, trong bối cảnh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều?

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Dương Đức Tuấn cho biết: "Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016 thành phố có 8 tuyến buýt nhanh BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Đáng chú ý là tuyến BRT này tỏ ra rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương làm đường ưu tiên".

"Với việc buýt nhanh trở thành buýt thường, buýt chậm thì trong điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, Hà Nội sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11", ông Dương Đức Tuấn nói.

Tuyến BRT số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Tuyến dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe.

Với việc có thể thay thế tuyến buýt nhanh BRT bằng tuyến đường sắt đô thị, người dân đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, chị Thùy Dương (sinh viên 1 trường Đại học tại quận Đống Đa) cho biết bản thân là 1 người sử dụng dịch vụ buýt nhanh BRT thường xuyên. Chị Dương cho rằng nếu xóa bỏ tuyến buýt này có thể ảnh hưởng tới khá nhiều người đang sử dụng tuyến buýt này mỗi ngày. "Tuy nhiên, hệ thống xe buýt công cộng tại Hà Nội khá dày đặc nên nếu không có BRT vẫn sẽ có các tuyến buýt khác và nó giống như việc quay lại thời trước khi có BRT", Thùy Dương nói.

Anh Đặng Long (nhân viên 1 nhà hàng trên đường Giảng Võ, Đống Đa) chia sẻ: "Hàng ngày tôi vẫn thấy người dân sử dụng xe buýt nhanh BRT rất nhiều, điều đó chứng tỏ tuyến buýt này vẫn được chuộng và vẫn đang phục vụ người dân ở mức ổn định. Tuy nhiên, tuyến buýt này giống như 1 tuyến buýt bình thường hơn là buýt nhanh do làn xe ưu tiên thường bị chiếm dụng, vì vậy mà buýt nhanh cũng hóa buýt chậm".

Không đồng tình trước thông tin thay thế buýt nhanh BRT, chị Thanh Huyền (sinh sống tại Kim Mã) lại cho rằng nên giữ tuyến buýt này vận hành nhưng có thể xóa bỏ đường ưu tiên vì không có nhiều tác dụng hoặc nếu vẫn giữ đường ưu tiên thì phải cấm triệt để các phương tiện khác di chuyển vào.

Buýt nhanh BRT có thể bị thay thế trong tương lai bằng đường sắt đô thị tuy nhiên chưa có kế hoạch cụ thể.

Lượng hành khách di chuyển bằng BRT vẫn ổn định, tuy nhiên lại chưa đạt tới kỳ vọng của 1 tuyến buýt được đầu tư nghìn tỷ.

Trên thực tế, sau hơn 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT chưa giảm được ùn tắc và thúc đẩy giao thông công cộng như kỳ vọng, đáng chú ý nhất là nó cũng không nhanh như tên gọi, mục đích ban đầu.

Trước thông tin có thể thay thế buýt nhanh bằng loại hình vận tải khác, chị Huyền Trang (nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân) cho rằng khoản đầu tư vào BRT trong những năm qua khá uổng phí và các dự án giao thông về sau sẽ cần tính toán kỹ lưỡng hơn để thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân và tình hình giao thông thực tế của khu vực.

Bên cạnh việc buýt nhanh trở thành buýt chậm, 1 nguyên nhân khác cũng dẫn đến việc BRT không thu hút được quá nhiều người sử dụng là do tính kết nối giữa BRT với phương tiện công cộng khác còn kém, từ đó người dân cũng ngại sử dụng buýt nhanh. Đây cũng chính là 1 trong những hạn chế của loại hình phương tiện vận tải công cộng, để khắc phục vấn đề này cần có mạng lưới giao thông liền mạch với tần suất ổn định thì mới thu hút được người dân sử dụng lâu dài.

Vào các khung giờ cao điểm, buýt nhanh cũng hóa buýt chậm, đây là nguyên nhân chính khiến BRT kém hấp dẫn đối với người dân.

Trong buổi làm việc ngày 15/4 giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị rút kinh nghiệm từ những hạn chế của tuyến buýt BRT hiện tại nếu có kế hoạch tiếp tục thi công các tuyến đường khác.

Trước tuyến buýt nhanh BRT, Hà Nội cũng vừa cho dừng khai thác 5 tuyến buýt có trợ giá, bao gồm các tuyến số 10 (10A và 10B), 14, 18, 44, 145. Được biết, đây đều là các tuyến buýt do Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội và Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội đảm nhận.

Hà Nội dừng 6 tuyến buýt trợ giá cao, mỗi năm tiết kiệm 212 tỷ đồng.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-noi-gi-truoc-thong-tin-buyt-nhanh-brt-co-the-bi-khai-tu-169240418081539467.htm