Người cứu 1,5 triệu cuốn sách viết bằng ngôn ngữ cổ của người Do Thái

Aaron Lansky dành cả đời để xây dựng Trung tâm Sách tiếng Yiddish, thu gom và lưu trữ các bản sách của một ngôn ngữ đang ngày càng mai một, cứu lấy một kho tàng tri thức nhân loại.

Kho tàng tri thức có nguy cơ mai một

Aaron Lansky là người đã dành cả đời cứu 1,5 triệu cuốn sách Do Thái. Ảnh: The Forward.

Thập niên 1970, Aaron Lansky học các khóa văn học tiếng Yiddish (một ngôn ngữ của người Do Thái) tại Đại học McGill, nhưng gặp khó khăn khi cần tìm những cuốn sách mình cần. Đôi khi, ông dựa vào những hàng xóm lớn tuổi trong cộng đồng Do Thái sôi động của Montreál. Họ sẵn lòng trò chuyện với vị khách trẻ tuổi bên tách trà hoặc đĩa mì kugel trước khi giao sách cho ông.

Ông nhận ra những thư viện gia đình kia là kho tàng đang bị đe dọa: Các thế hệ người nhập cư nói tiếng Yiddish, đổ xô đến Mỹ và Canada bắt đầu từ những năm 1880 để thoát nạn tàn sát và nghèo đói, đang chết dần. Hầu hết con cháu của họ đã đồng hóa với miền đất mới, không nói hoặc đọc tiếng Yiddish trôi chảy.

Kết quả là, toàn bộ thư viện chứa đầy tác phẩm của các nhà văn như Sholem Aleichem, IL Peretz và Sholem Asch, các sách khoa học và lịch sử, bản dịch các tác phẩm kinh điển như Shakespeare và Guy de Maupassant, thậm chí cả sách dạy nấu ăn và sách hướng dẫn tình dục - đều bị chuyển vào thùng rác, gác mái và tầng hầm.

Mùa đông năm 24 tuổi, Lansky đã quyết định dấn thân thực hiện sứ mệnh nghe chừng kỳ quặc: “Cứu kho tàng sách tiếng Yiddish của thế giới trước khi quá muộn,” ông viết trong hồi ký năm 2004 của mình, Outwitting History (tạm dịch: Lịch sử khôn ngoan).

Ông bảo lưu thời hạn 2 năm chương trình sau đại học, tuyển dụng tình nguyện viên thu gom, mua bán và đóng thùng các tông từ nhiều nhà, trường học và giáo đường trên khắp đất nước. Sau đó họ chở sách đến gác xép một nhà máy rộng gần 600 m2 ở phía tây Massachusetts.

Các học giả ước tính khoảng 70.000 cuốn sách chờ được giải cứu. Lansky tiếp tục thu thập 1,5 triệu sách tiếng Yiddish. Kho tàng ấy đã phát triển thành Trung tâm Sách tiếng Yiddish ở Amherst, Mass - một tổ chức văn hóa Do Thái hàng đầu quốc gia.

Theo The New York Times, gần như đã hoàn thành nhiệm vụ ở tuổi 68, đầu tháng 3 này Lansky vừa thông báo sẽ nghỉ hưu vào tháng 6/2025, rời ghế chủ tịch trung tâm. (Tuy nhiên, ông sẽ tiếp tục giữ chức vụ cố vấn cấp cao thêm hai năm nữa). Kế nhiệm ông là Susan Bronson - người đã giữ chức vụ giám đốc điều hành của trung tâm trong 14 năm và có bằng tiến sĩ về lịch sử Nga và Do Thái.

Sam Norich, chủ tịch đơn vị chủ quản của The Forward - nhật báo tiếng Yiddish thành lập năm 1897, hiện xuất bản trực tuyến bằng tiếng Anh và tiếng Yiddish - cho rằng Lansky có công lao to lớn vì đã “hoàn toàn từ bước đầu” xây dựng tổ chức của mình vào điểm giao thời lịch sử trong cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái.

Ông nhận xét, Lansky biết "kịch tính hóa" việc truyền tải di sản tiếng Yiddish “cho cả lớp người già đang trao truyền lại và lớp người trẻ đam mê đi cùng ông”.

Lansky đã kêu gọi báo chí, cơ quan điện tín và các tổ chức Do Thái hỗ trợ thông tin đến công chúng cuộc tìm kiếm của mình. Norich cho biết, ông cũng khôn ngoan khi chọn trụ sở cách xa New York - nơi có thể các nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm của các tổ chức Do Thái và Yiddish khác sẽ chèn ép và kiểm soát.

Trung tâm Sách tiếng Yiddish hiện là tổ chức hàng đầu về văn hóa Do Thái tại Mỹ, kết hợp - một không gian kết hợp giữa bảo tàng, thư viện, hiệu sách, nhà kho. Ảnh: NYT.

Kết hợp giữa bảo tàng, thư viện, hiệu sách, nhà kho, trung tâm hiện có trụ sở tại khu phức hợp rộng hơn 40.000 m2 trong khuôn viên trường cũ của Lansky, Đại học Hampshire.

Cùng các thư viện tiếng Yiddish của Viện Nghiên cứu Do Thái YIVO, Thư viện Công cộng New York và Thư viện Quốc gia Israel, bộ sưu tập sách đã được số hóa để bất kỳ ai cũng có thể truy cập trang web, tìm kiếm tựa sách hoặc yêu cầu cả cuốn sách.

Lansky ước tính rằng cộng dồn thì bốn tổ chức này sở hữu 99% tổng số đầu sách tiếng Yiddish từng được xuất bản. Cho đến nay, 11.000 đầu sách từ bộ sưu tập của trung tâm đã được số hóa và thu hút được 5 triệu lượt tải xuống.

Lansky nói: “Đó là một minh chứng tuyệt vời rằng tiếng Yiddish, đang trên bờ vực tuyệt chủng, giờ đây sẽ là nền văn học đầu tiên có thể tiếp cận được hoàn toàn trong lịch sử”.

Củng cố ngôn ngữ và văn học tiếng Yiddish

Trung tâm cũng góp phần củng cố ngôn ngữ và văn học tiếng Yiddish. Họ phân phối bản sao trong bộ sưu tập của mình cho các thư viện và viện bảo tàng trên khắp thế giới và ủy quyền dịch sách tiếng Yiddish sang tiếng Anh, đặc biệt là tác phẩm của các tác giả nữ chưa bao giờ được tác giả nam đánh giá cao.

Hình ảnh tại Trung tâm Sách tiếng Yiddish. Ảnh: Yankee.

Trung tâm tổ chức các lớp học mùa hè tiếng Yiddish và xuất bản hai tập sách mới dành cho học viên tham gia các khóa học tiếng Yiddish cơ bản. Nhờ sáng kiến của Bronson, trung tâm đã tài trợ cho lễ hội âm nhạc mùa hè mang tên Yidstock. Và một chi nhánh xuất bản, White Goat Press, đã xuất bản 20 cuốn sách kể từ khi bắt đầu vào năm 2019.

Lansky nói: "Mọi điều tôi mơ ước, tôi đều thực hiện được. Không nhiều người có thể nói điều đó".

Dù Kinh Torah viết bằng tiếng Do Thái cổ, kinh Talmud bằng tiếng Aramaic, nhưng tiếng Yiddish là mamaloshen - tiếng mẹ đẻ - của người Do Thái Ashkenazi ở Đông và Trung Âu. Nó xuất hiện ở Rhineland và các vùng đất Đức khác hơn 1.100 năm trước. Người nói tiếng Yiddish sử dụng cách viết chữ Do Thái nhưng vẫn giữ nguyên tiếng Đức Trung Cổ trong hội thoại và viết.

Qua nhiều thế kỷ, ngôn ngữ này mượn từ từ các ngôn ngữ Slav và Roma, làm phong phú thêm các ngôn ngữ đó. Những từ mang sắc thái Yiddish đặc trưng như kibitz, tchotchke và chutzpah làm tăng thêm gia vị cho cuộc trò chuyện của vô số người Mỹ.

Diệt chủng Do Thái holocaust đã sát hại sáu triệu người Do Thái - hai phần ba dân số Do Thái ở châu Âu, lẽ dĩ nhiên số lượng người nói tiếng Yiddish giảm rất nhiều. Dù tiếng Yiddish vẫn là ngôn ngữ hàng ngày của nhiều người Haredi và những người Do Thái chính thống cực đoan, nhưng họ coi thường sách, vở kịch và phim phi tôn giáo.

Norich ước tính, số lượng người nói tiếng Yiddish ở Mỹ và các nhóm người Do Thái nay còn không quá 150.000 người. Vì vậy, tổ chức như Trung tâm Sách tiếng Yiddish giúp giữ lửa cho ngôn ngữ này, phục vụ những người trẻ tò mò muốn tìm hiểu tiếng mẹ đẻ của ông bà họ.

Lansky, sống ở Stockbridge, Mass., cùng vợ là Gail, muốn dành thời gian nghỉ hưu để viết và nghiên cứu. Ông sẽ “có thời gian đọc một số sách mà chúng tôi đã cứu giữ được”. Ông nói: “Tôi nghĩ mình thuộc những người may mắn nhất thế giới. Tôi được ngồi vào bàn ăn với hàng nghìn người Do Thái đang truyền lại kho báu lớn nhất của họ cho tôi”.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-cuu-1-5-trieu-cuon-sach-viet-bang-ngon-ngu-co-cua-nguoi-do-thai-post1463836.html