Đảo Phú Quý và những ngày khám phá, trải nghiệm - Đường đến Phú Quý (Kỳ 1:)

Cách TP Phan Thiết 56 hải lý về hướng Đông Nam. Phú Quý nằm ở tọa độ 105°55'đến 108°58' kinh Đông và từ 10°29'đến 10°33' vĩ Bắc, là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận. Phú Quý có diện tích 16 km², chia làm 3 xã là xã Ngũ Phụng (trung tâm hành chính của huyện), xã Tam Thanh và Long Hải với dân số hơn 30 ngàn người. Đây là một hòn đảo còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với những thắng cảnh tự nhiên, người dân chủ yếu sống bằng nghề đi biển, và chế biến hải sản.

Những ngày đầu tháng Năm, khi hàng phượng ở các con đường, sân trường thắp lên màu đỏ rực, cùng với bản tình ca muôn thuở của loài ve gọi hè khiến cho cái nóng càng trở nên gay gắt, khó chịu khiến ai cũng muốn trốn chạy, tìm một nơi nào đó để đổi gió và cân bằng cảm xúc.

Giữa cái nóng, cái ngột ngạt đầy khói bụi nơi thành phố công nghiệp, chúng tôi được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận kết nối với Công ty Sandy Boutique House mời tham gia một chuyến đi trải nghiệm thực tế tại huyện đảo Phú Quý, và tham gia giải chèo Sup lần đầu tiên được tổ chức tại đây.

Chèo Sup tại Hòn Đen, Phú Quý (ảnh: Sandy)

Một lời mời hết sức hấp dẫn đủ để cho những kẻ chưa biết chèo Sup là gì cũng thấy rạo rực, và muốn được tham gia. Chuyến đi cũng là cơ hội để những người như tôi với sở thích được khám phá, trải nghiệm thực tế cũng như tìm hiểu về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân huyện đảo thì còn gì thú vị hơn! Và tôi đã sung sướng gật đầu!

Chuyến đi tham quan đảo Phú Quý được khởi hành lúc 6h30 sáng trên con tàu cao tốc Chấn Kha 1 của Công ty TNHH Xây dựng du lịch lữ hành Chấn Kha dưới cái nắng vàng chiếu lên mặt biển xanh của một ngày đầu hè.

Tàu cao tốc chở khách ra đảo Phú Quý (ảnh: NDHA)

Đi trên tàu, hành khách được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp mà biển xanh mang lại khi chứng kiến từng đàn cá chuồn bị tiếng động cơ tàu khiến cho hoảng sợ nên bay lên khỏi mặt nước. Có lẽ tiếng động cơ bị lũ cá tưởng là kẻ săn mồi nên bay lên để chạy thoát. Loài cá kì lạ khi có cặp vây trước to rộng, xòe ra như cánh chim đủ tạo ra một lực nâng để nâng nó lên khỏi mặt nước và tạo đà bay xa hàng chục mét. Hòa trong tiếng gió, tiếng động cơ của con tàu là những tiếng cười thích thú kèm những câu như: đó… đó…, nó bay kìa, cá chuồn bay kìa. Những chiếc điện thoại thông minh, máy ảnh của du khách đứng trên bong tàu lại có cơ hội để thể hiện chức năng chụp ảnh, giúp chủ của nó ghi lại những khoảnh khắc.

Cặm cụi trên biển (ảnh:NDHA)

Hình ảnh những con thuyền đánh cá của ngư dân, và cả những chiếc thuyền thúng bé nhỏ giữa biển xanh cũng mang lại nhiều cảm xúc bồi hồi cho du khách. Chỉ khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh ấy, mới thấy được hết giá trị của sức lao động, cũng như cảm nhận rõ nét những thân phận mong manh trên biển xanh mênh mông, rộng lớn. Thấy, để biết quí trọng từng con cá, con tôm mà ngư dân khổ công mang về đất liền. Thấy, để không quá khắt khe mà trả giá từng con cá, con tôm mỗi lần ra chợ.

Người ngư dân trên chiếc thuyền thúng đang đánh bắt hải sản trên biển (ảnh:NDHA)

Sau hơn hai giờ tàu chạy, đảo Phú Quý đã hiện ra trong mắt của du khách với những cột ăng ten cao vút, cùng với ngọn hải đăng trên đỉnh Núi Cấm. Quanh đảo, các con tàu đánh cá lớn, nhỏ đậu san sát với nhau tạo nên một gam màu tuyệt đẹp.

Một góc đảo Phú Quý nhìn từ biển (ảnh:NDHA)

Tàu cập cảng Phú Quý, nhóm chúng tôi cũng như nhiều hành khách (đã đăng ký trước) được trao cho mỗi người chìa khóa một chiếc xe máy để tự do đi lại trong những ngày lưu trú. Ở đây, xe máy bạn có thể vứt xe ở bất kì đâu, và chìa khóa, nón bảo hiểm cứ để đó mà không sợ mất trộm.

Đặt chân lên đảo, cảm nhận đầu tiên là cái nắng rát da. Dù nắng, nhưng xung quanh là biển nên không khí trong lành. Hít thở thật sâu để buồng phổi rửa sạch bớt khói, bụi và đủ thứ ô nhiễm nơi thành phố, chúng tôi chạy xe máy về khách sạn Thanh Xuân (KDC 2, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý). Đây là một trong những khách sạn tốt nhất của huyện đảo với đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ và giá cả hợp lý.

Khách sạn Thanh Xuân, nơi nghỉ dưỡng tốt nhất tại Phú Quý với đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ

Sau khi nhận phòng, tắm rửa và nghỉ ngơi, tôi cũng như rất nhiều người mong muốn được khám phá về ẩm thực nơi đây. Trên một con đường nhỏ mang tên thi hào Nguyễn Du thuộc địa phận xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, quán Cơm niêu Phú Quý với một không gian đẹp, thiết kế kiểu nhà xưa đã làm cho tôi cũng như nhiều người khác hài lòng khi những món ăn ngon được chế biến từ hải sản và bày biện khá đẹp mắt.

Quán cơm niêu trên đảo (ảnh:NDHA)

Ấn tượng ban đầu khi đặt chân lên đảo là rất tốt, khi chỗ nghỉ ngơi (khách sạn) và một bữa trưa ngon miệng khiến cho những kẻ khó tính như tôi đã bị cuốn hút. Buổi chiều, khi cái nắng đã dịu đi, đây là lúc thích hợp cho chuyến khám phá vòng quanh đảo. Phú Quý với những bãi biển còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, những bãi cát mịn nối từ rừng dương, những rừng cây phong ba và dứa dại ra đến biển, cũng những bãi đá tuyệt đẹp nằm ở xã Long Hải khiến người du khách mơ màng.

Một góc Phú Quý (ảnh:NDHA)

Đặc biệt là buổi chiều, khi đứng từ đây có thể nhìn hoàng hôn rơi trên biển tạo nên một bức tranh cực kỳ đẹp mắt mà thiên nhiên đã tạo ra.

Nếu ai đó nói, biển chiều Phú Quý đẹp như một nàng tiên với những tia nắng cuối ngày, những đám mây ngũ sắc được tô điểm bằng những con thuyền trên biển thì cũng không có gì là phóng đại. Nhưng sẽ là thiếu sót khi bỏ qua cái đẹp ngắm bình minh từ ngọn hải đăng trên Núi Cấm, hay đứng trên bờ biển. Lúc này, nhìn về đường chân trời, ta thấy ánh dương bắt đầu hắt lên từ mặt biển, sau đó mặt trời cứ như từ dưới đại dương trồi lên. Một cái đẹp của sự khởi đầu.

Chiều rơi trên biển Phú Quý (ảnh:NDHA)

Ẩm thực Phú Quý thật sự đa dạng, nếu như bữa trưa với cơm niêu Phú Quý đạt điểm 10, thì bữa tối của nhà hàng Lưới Sea Food là một sự đột phá về ẩm thực khi những món gỏi ốc, mực… được chế biến ngon đến mức tuyệt hảo. Khí hậu trong lành, gió biển lộng lộng và dưới bầu trời đêm quang đãng, vừa thưởng thức các món ăn hải sản và nâng ly vì tình bạn, tình người, tình yêu với hòn đảo này thì còn gì thú vị hơn!

(còn nữa)

Kỳ 2: Mộ Thầy – Điểm du lịch gắn liền với tâm linh của người dân trên đảo, và chuyện người đốt đèn trên ngọn hải đăng “dẫn lối” những con tàu

(Còn nữa)

(Ghi chép của Nguyễn Đặng Hà Anh)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dao-phu-quy-va-nhung-ngay-kham-pha-trai-nghiem-a24657.html