Nghĩ về biểu trưng Di tích Xẻo Quít

Năm 1982, trong đợt đi học tập nghiên cứu về nghiệp vụ văn hóa ở Liên Xô, chúng tôi đến nước Cộng hòa Bê-la-rúc-ki-a và được đi thăm khu quần thể Bảo tàng Kha-tưn.

Nơi đây, quân Đức đã đến từ năm 1941 - 1943. Làng Kha-tưn cũng như hơn 200 làng khác bị hủy diệt. 9 triệu dân Bê-la-rúc-ki-a có đến 2.230.000 người dân bị giết. 26 ngôi nhà trong làng Kha-tưn bị đốt. Chúng gom 186 người (có 75 cháu nhỏ) vào nhà kho rồi phun xăng đốt. Chỉ sống sót 3 người.

Tại khu quần thể Bảo tàng xây dựng lên những công trình tượng trưng như:

- 4 cây bạch dương có 1 cây bị chặt, tượng trưng cứ 4 người dân Bê-la-rúc-ki-a có 1 người bị giết.

- Một tượng đài cao lớn thể hiện một người già bồng cháu nhỏ bị giết chết, thể hiện “đau thương và bất khuất”.

- Công trình tượng trưng nhà kho, phía trước có con đường đá trắng rộng lớn đến nhỏ dần dẫn vào cửa nhà kho, tượng trưng 186 người bị dẫn vào nhà kho, đốt chết.

- Nơi 26 ngôi nhà bị đốt, dựng lên mỗi nơi một trụ tượng trưng cột nhà bị đốt cháy còn lại; trên mỗi đầu cột treo một cái chuông, cứ 30 giây thì 26 cái chuông đồng loạt đánh lên tiếng đinh đông, nhắc nhở mọi người tội ác của phát xít Đức...

Những biểu trưng nơi quần thể Bảo tàng không còn hiện vật gốc này đã gây cảm xúc mạnh trong lòng người đến viếng thăm, để lại những ghi nhớ và ấn tượng sâu sắc.

Ở tỉnh Đồng Tháp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có dựng tượng nhân vật có tên tuổi, như tượng Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng, tượng Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, anh hùng Võ Văn Mừng, anh hùng Phan Văn Út... Nhiều tượng đài có con người đại diện như anh báo vụ đang đánh ma-níp, cô liên lạc mang túi công văn ở tượng đài Thông tin liên lạc vô tuyến điện Nam bộ; chiến sĩ chóng xuồng và một chiến sĩ giơ cao súng reo mừng chiến thắng trận Giồng Thị Đam - Gò Quảng Cung; ba mảng phù điêu ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; phù điêu kéo tàu ông chánh ở Tân Dương... Nhiều di tích lịch sử khác có tượng đài biểu trưng nội dung sự kiện như: Tượng đài thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên xã Hòa An; tượng đài vụ thẩm sát ở Bình Thành, lô-go biểu trưng tỉnh Đồng Tháp, lô-go biểu trưng Trường Đại học Đồng Tháp... Nổi bật là biểu tượng Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Thay vì dựng nhà mồ, vòm mộ Cụ được thể hiện một cánh hoa sen, vừa có dáng dấp một bàn tay xòe ra úp xuống, có 9 đầu rồng cách điệu tượng trưng Nhân dân Đồng Tháp, đồng bằng sông Cửu Long bảo vệ, chở che ngôi mộ Cụ. Phía trước vòm mộ, có hồ sao 5 cánh, ở giữa một đóa sen trắng cách điệu vươn thẳng đứng lên, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, cao thượng của Cụ giữa lòng Tổ quốc Việt Nam.

*

Di tích cách mạng Xẻo Quít là nơi thể hiện một tập thể, gồm các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, cán bộ, nhân viên Văn phòng Tỉnh ủy như: Văn thư, cơ yếu, cơ công, đơn vị bảo vệ Tỉnh ủy 279...

Đây là nơi “đọ sức” về trí tuệ, bản lĩnh của lãnh đạo Tỉnh ủy với lực lượng mỹ ngụy đông hơn gấp bội, có đủ phương tiện chiến tranh hiện đại ở cả trên trời, mặt đất, mặt nước, với hệ thống đồn bót vây tròn, công an do thám đều khắp, ngày đêm ra sức tìm diệt đầu não cách mạng ở tỉnh. Lãnh đạo Tỉnh ủy vẫn trụ vững tại chiến trường với phương châm “một tất không đi một ly không rời”, đã vạch ra các nghị quyết, chủ trương lãnh đạo quân - dân tỉnh nhà chống lại, làm phá sản quốc sách ấp chiến lược, chia rẽ cách mạng với đồng bào các tôn giáo, chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông, lấn đất giành dân...; để lãnh đạo các cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân ở tỉnh nhà, đánh bật các mũi lấn chiếm của địch khi có Hiệp định Pa-ri và cuối cùng là nghị quyết tự lực tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã trong cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, giành toàn thắng 30/4/1975.

Khách du lịch tham quan Khu Di tích Xẻo Quít (Ảnh: M.X)

Tại khu di tích nầy đang xây dựng nhà trưng bày về quá trình hoạt động của lãnh đạo Tỉnh ủy Kiến Phong, Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Dự kiến, trước nhà trưng bày có một tượng đài. Với thiển ý của mình, tôi xin nêu ý kiến là tượng đài đó mang tính biểu trưng hơn là một biểu tượng cụ thể.

Tôi nghĩ, hồn cốt của di tích Xẻo Quít đã được công nhận là căn cứ của lòng dân, là bộ não lãnh đạo cao nhứt của tỉnh, nơi đề ra các chủ trương, nghị quyết của Đảng, rọi ánh trăng và truyền lửa cách mạng cho toàn Đảng bộ, quân - dân tỉnh nhà theo đường lối của Đảng (cụ thể là Trung ương Cục và Khu ủy Trung Nam bộ), biến thành ngọn lửa kháng chiến đốt cháy quân thù.

Dựa vào “hồn cốt” đó, các kiến trúc sư, nghệ sĩ tạo hình nghiền ngẫm sáng tạo, thể hiện qua những hình ảnh tượng trưng cho biểu tượng đó. Ví dụ: Căn cứ của lòng dân, dân bảo vệ, che chở cho lãnh đạo Đảng, có nên lấy hình tượng hai bàn tay của dân Đồng Tháp, đồng thời là cánh hoa sen, bao che, bảo bọc đài lửa, bốc cháy lên ngọn lửa đấu tranh đỏ rực...

Tôi nghĩ, sử dụng biểu trưng sẽ cô gọn và có ý nghĩa sâu sắc hơn một hình tượng cụ thể (như anh chiến sĩ 279, anh cơ yếu đánh ma-níp, cô văn thư ngồi đánh máy...).

Dù tâm huyết, tình cảm và trách nhiệm nhưng ý kiến trên đây chỉ là gợi ý của một cá nhân để lãnh đạo rộng đường xem xét, quyết định.

Nguyễn Đắc Hiền

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/nghi-ve-bieu-trung-di-tich-xeo-quit-114766.aspx