'Nghệ thuật nghèo' của Hoàng Đăng Nghiễm

Triển lãm cá nhân 'Đường kim mũi chỉ' của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm, bày 22 tác phẩm vật liệu tổng hợp, khổ lớn.

Gần đây, chẳng phải vô cớ sau những tổn thương hậu Covid, nhiều người thường nhắc tới cụm từ chữa lành. Khái niệm về sự chữa lành (healing) vốn hiện xuất trong văn hóa đại chúng từ những năm 1980 của phong trào New Age, đưa ra sự cứu chữa cùng với lí thuyết về sự cân bằng toàn diện (holism) khi xem con người là một tổng thể về tâm, sinh lí và xã hội. Như trong thuyết nhân duyên, không một cá nhân nào đơn độc, không ai là một ốc đảo, mọi thứ đều năng động và được kết nối với nhau bằng một mạng lưới chung. Một khi có những chỗ rách hoặc đứt gẫy trong bức tranh tổng thể của mối liên kết chặt chẽ này thì cần tìm tới sự chữa lành và nối kết trở lại. Từ kết cấu của những sợi vải được đan dệt cho tới việc may và khâu vá vì bị rách rưới, đứt lìa, không khỏi làm ta liên tưởng tới hàm nghĩa trong khái niệm phổ biến tikkun olam, nghĩa là “hàn gắn thế giới” của người Do Thái - một dân tộc vốn chịu bao khổ nạn trong lịch sử.

“Những đường kim mũi chỉ, mỗi mũi khâu là một kết nối, là một chữa lành, là nhịp tim là hơi thở, vá khâu những đứt gãy của các sợi dệt chữ thập, hàn gắn những rạn nứt tâm hồn, trân trọng những giá trị còn sót lại.” Đó là lời phát biểu súc tích của Hoàng Đăng Nghiễm về những ý tưởng xuyên suốt khi thực hiện loạt tranh của anh. Những ai tới với cuộc triển lãm này của Hoàng Đăng Nghiễm hẳn đều có thể cảm nhận và đồng cảm ra điều này mặc dù chúng được thực hiện bằng những phương thức và chất liệu, màu sắc không theo những quy chuẩn thông thường.

Hoàng Đăng Nghiễm vốn là con trai của một họa sĩ danh tiếng ở Huế là Hoàng Đăng Nhuận. Từ nhỏ đã đam mê hội họa, nhưng anh đã chọn lập nghiệp bằng ngành kiến trúc nội thất. Tuy nhiên sự tập trung sáng tác nghệ thuật của anh trong khoảng mươi năm nay đã khiến anh tìm ra ngã rẽ khác hẳn với con đường cùa cha mình.

Chân dung Hoàng Đăng Nghiễm.

Đứng trước những tấm bố gai thô được nhuộm với những gam màu tự nhiên, thâm u và tĩnh lặng vốn đã được chắp vá thành những bức có kích thước lớn (với chiều cao hoặc ngang 200cm) gây ấn tượng tới tâm lí người xem. Loạt tranh sáng tác trên hai nhóm chất liệu: bố gai nhuộm màu và bố gai với màu acrylic, keo và bột đá vôi. Một ít kí hiệu nho nhỏ như con thuyền giấy của tuổi thơ, dấu thập biểu tượng của khổ nạn và sự chữa lành.

Những mũi chỉ đường khâu thường đi theo một tuyến chạy xung quanh các cạnh của miếng vá rất thận trọng. Cách xếp lớp các miếng vá, và cách mà những lỗ rách chồng lên nhau để lộ lớp lót bên dưới với những đường khâu chạy quanh như miệng những vết thương được vá lại, khiến người xem liên tưởng, thương xót, chiêm nghiệm vẻ đẹp trong đau khổ và mất mát “trước nỗi đau của người khác”.

Tác phẩm Vá khâu những tàn tích 4.

Trong nghệ thuật trừu tượng, sự đa dạng về chất liệu và kĩ thuật là rất lớn. Tuy vậy, trong loạt tranh này của Hoàng Đăng Nghiễm, anh chọn lựa cho mình những chất liệu khác biệt là tận dụng những vải bố gai của loại bao đựng nông sản. Chất liệu chủ yếu là bảng màu tự nhiên chưng cất tinh túy từ núi rừng hoang dã mà anh tiếp thu từ những kĩ thuật tạo màu nhuộm cổ truyền của các dân tộc miền núi như Bana, Mông, Cơtu, và Lào.

Những màu nhuộm này được anh tự tay chế tạo từ thực vật như lá cây, rễ và củ được giã nát, nấu nung, chưng cất. Đó là một màu như chàm H’mông của núi rừng ở các mức độ cô đặc và đậm nhạt khác nhau, với nguyên liệu từ hạt và lá cây chàm qua nhiều công đoạn và thời gian. Hoặc tạo ra những cốt màu sắc đặc trưng của người Cơ Tu từ các loại thực vật, mà mỗi màu như xanh đen, đỏ, vàng, trắng đều có mối liên hệ tâm linh biểu tượng. Màu đỏ màu của mặt trời, màu máu tươi của con vật hiến tế tới thần linh. Màu xanh đen là màu của đại ngàn xanh thẳm và che chở những cơn hoạn nạn, màu đen của đất đai của sự nảy mầm sinh trưởng gắn bó với sinh mệnh con người cho tới hơi thở cuối cùng…

Tác phẩm Đường kim mũi chỉ 3.

Việc tận dụng vải từ những bao tải đựng nông sản dệt bằng bố gai (đôi khi còn giữ những hàng chữ in ấn biểu thị xuất xứ thực phẩm của các loại hạt được xuất nhập khẩu) trong tác phẩm của Hoàng Đăng Nghiễm cũng như tính thủ công của chúng khiến ta nhớ tới loại vải Boro phổ biến của dân nghèo Nhật Bản thời xưa. Đó là những mảnh vải chàm đã rách được tận dụng và chữa lại bằng cách chắp vá nhiều tấm lại với nhau dùng làm quần áo. Theo thời gian, vải Boro chắp vá lại trở thành biểu tượng cho nét thẩm mĩ wabi-sabi của Nhật Bản, và do các miếng vải vá không đồng đều cũng như có độ màu nhuộm khác nhau vô tình lại có sự tương đồng với thẩm mĩ cắt dán/collage của nghệ thuật hiện đại, làm ta nhớ đến tác phẩm của các nghệ sĩ như Paul Klee, Robert Rauschenberg…

Sự chọn lựa những vật liệu “nghèo” và cách thể hiện thủ công trong tác phẩm nghệ thuật trên vải của Hoàng Đăng Nghiễm có cùng ý thức với xu hướng Arte Povera (Nghệ thuật Nghèo), đồng thời có thể sánh với thẩm mĩ truyền thống Nhật Bản khi đề cao sự điều độ và khiêm tốn, sự thô phác không hoàn hảo thể hiện bằng tính bất quy tắc, và nhất là thể hiện ý thức của triết học mottanai chống lại sự lãng phí (chống lại với xã hội định hướng tiêu dùng ngày nay, đề cao ý tưởng tôn trọng tài nguyên và môi trường, giảm thiểu chất thải). Điều này trở thành nguồn cảm hứng và chìa khóa cho lí tưởng sáng tạo của các nghệ sĩ khi biết “trân trọng những giá trị còn sót lại”.

Triển lãm của Hoàng Đăng Nghiễm sẽ khai mạc lúc 18g00 ngày 13.5, kéo dài đến hết ngày 31.5.2024. Triển lãm do Art Key tổ chức, tại Blanc de Blancs (83-85 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM).

Hà Vũ Trọng (nhà nghiên cứu)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nghe-thuat-ngheo-cua-hoang-dang-nghiem-43602.html