Nghề độc đáo: Viết hồi ký cho người cao tuổi

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội 'già hóa' sang xã hội 'già'. Từ thực tế đó, nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe tinh thần và thể chất ở người già đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Báo cáo Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam, do VCCI thực hiện mới đây ước tính thị trường đầy hứa hẹn tại Việt Nam với 20 triệu "khách hàng tiềm năng" vào năm 2035.

Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi, nhóm người mà trước đây thường ít có sự lựa chọn về các loại hình giải trí, trải nghiệm do đặc thù về tuổi tác, sức khỏe.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VCCI thì thị trường kinh doanh các loại hình dịch vụ dành cho người cao tuổi sẽ bùng nổ trong vài năm tới do cầu tăng, cung còn yếu.

Bên cạnh những dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, hiện nay trên thị trường xuất hiện một dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người già, đó là dịch vụ viết hồi ký cho người cao tuổi.

Ở nước ngoài, việc một người cao tuổi bình thường có một cuốn tự truyện, hồi ký là chuyện không hề hiếm.Thậm chí, có những cụ ông, cụ bà sau khi xuất bản tự truyện cá nhân thì tác phẩm còn trở thành “best seller” và tác giả trở nên nổi tiếng.

Tại Việt Nam, việc một người bình thường có một cuốn hồi ký, tự truyện là một điều khá xa lạ. Thông thường, những tác phẩm văn chương như hồi ký, tự truyện thường được coi là “đặc quyền” của người nổi tiếng. Vì vậy, việc một người cao tuổi bình thường ở Việt Nam có được một cuốn hồi ký cho riêng mình nhằm lưu giữ lại hồi ức của bản thân dành tặng cho con cháu là một dịch vụ rất mới mẻ và tiềm năng tại Việt Nam.

Anh Phạm Tuân - Giám đốc điều hành một công ty cung cấp dịch vụ viết hồi ký cho người cao tuổi cho biết: “Người cao tuổi đang phải đối diện với nỗi sợ bị xã hội lãng quên và mong muốn chia sẻ những kỷ niệm, ký ức của mình nhưng con cháu thường bận rộn và cảm thấy xa lạ với câu chuyện của họ. Đặc biệt hơn, người cao tuổi cũng muốn để lại cho con cháu một điều gì đó giá trị hơn nhiều ngoài tiền bạc nhưng chưa tìm ra. Bên cạnh đó, con cháu của họ thì luôn phải đối diện với việc thiếu thời gian dành cho gia đình và khó khăn trong việc thấu hiểu và chia sẻ với cha mẹ, ông bà. Điều này đã tạo ra khoảng cách thế hệ vô cùng lớn trong mỗi gia đình”.

Anh Tuân cũng chia sẻ, khi tiếp cận được dịch vụ này, những người khách hàng rất vui vì những kỷ niệm của mình đã được lưu giữ lại theo cách đặc biệt nhất, không chỉ thế, bản thân họ cũng rất ngỡ ngàng vì họ nghĩ rằng là không ngờ ở tuổi này họ còn viết lên được một cuốn sách, đặc biệt đó là sách viết về câu chuyện của cuộc đời mình. Trong quá trình thực hiện hồi ký họ được thoải mái trò chuyện, chia sẻ những tâm tư, tình cảm, kể cả những điều họ đã từng giấu diếm con cháu chưa bao giờ nói ra. Vui hơn nữa là thông qua cuốn hồi ký, gia đình của họ đã có được cơ hội hiểu nhau hơn, cuốn hồi ký như một sợi dây gắn kết các thế hệ với nhau. Việc có một cuốn hồi ký sẽ góp phần lưu truyền và phát triển văn hóa gia đình Việt.

Viết hồi ký hay tự truyện được coi là một nghề độc đáo bởi tính đặc thù, không phải ai cũng có khả năng viết lách, đặc biệt việc chắp bút cho một cuốn tự truyện ngoài việc ghi chép chính xác các thông tin, người viết còn cần có một vốn tự vựng và ngữ pháp phong phú để câu chuyện có cảm xúc.

Bên cạnh đó, do yếu tố “đặc thù” nên nghề viết hồi ký cũng ít có tính cạnh tranh, nhưng tệp khách hàng lại phong phú, nhu cầu cao. Một người chuyên chắp bút cho các hồi ký của người cao tuổi cho biết, khách hàng quan tâm đến chất lượng và nội dung của cuốn sách hơn giá tiền. Bởi những người muốn có một cuốn hồi ký cho riêng mình đa phần là những người có mong muốn để lại một điều có giá trị dành cho thế hệ mai sauhoặc con cái họ đặt viết để làm món quà cho cha mẹ, ông bà.

Bên cạnh nghề viết hồi ký, nghề đọc sách thuê, nhổ tóc bạc,... đều là một trong những công việc đặc thù dành cho người cao tuổi. Bên cạnh nhu cầu được lắng nghe, được tiếp cận với tri thức, được chia sẻ tâm tình thì những công việc kể trên mang lại sự kết nối giữa người cao tuổi và nhóm người đang ở độ tuổi lao động. Thông qua chia sẻ khi làm việc, người cao tuổi cảm thấy đời sống tinh thần của mình được bồi đắp, vơi bớt cô đơn của tuổi già.

Ngoài ra, do yếu tố tuổi tác và trình độ, việc tiếp cận công nghệ thông tin của người cao tuổi thường chậm hơn so với người trẻ, nhiều hội nhóm, doanh nghiệp trẻ cũng đang xây dựng mạng lưới cộng tác viên nhằm hướng dẫn người cao tuổi tiếp cận và thực hiện được các thao tác cơ bản trên các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính bàn, máy tính xách tay,… nhằm giúp họ tiếp cận với internet, để có thêm nhiều sự lựa chọn tích cực cho sức khỏe tinh thần với người cao tuổi.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nghe-doc-dao-viet-hoi-ky-cho-nguoi-cao-tuoi.html