Nghề cao quý nhất

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Bao đời nay, cha ông ta đã coi việc học như quốc kế sinh tồn, hưng thịnh, bởi vậy người thầy trong xã hội Việt Nam luôn được tôn vinh, kính trọng.

Ghi nhận và đề cao sứ mệnh “trồng người” của người thầy, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Xác định tầm quan trọng của người thầy, nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, hiệu quả giáo dục và đào tạo, khẳng định vai trò, vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại.

Cô và trò Trường Tiểu học Tân Phú, huyện Tân Sơn

Hoa đẹp đời thường

Ngày 20/11/1982, ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội. Từ đó đến nay, ngày 20/11 là ngày truyền thống của ngành Giáo dục, là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với thầy, cô giáo; để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

40 năm qua, trong niềm tự hào, ý thức trách nhiệm và nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo, các thế hệ nhà giáo trong cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực đóng góp cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê, giúp học sinh vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập ở các kỳ thi khu vực, quốc gia và quốc tế.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh không ngừng đổi mới sáng tạo nhằm tạo cho học sinh niềm đam mê học tập.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1969) giáo viên môn Ngữ Văn, Tổ trưởng Tổ Văn- Ngoại ngữ của Trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh là một trong những giáo viên có nhiều đóng góp tích cực trong công tác giảng dạy, là tấm gương sáng được đông đảo phụ huynh, học sinh kính trọng, quý mến, ngành Giáo dục Đất Tổ ghi nhận, đánh giá cao. Mỗi giờ học của cô Hà luôn hấp dẫn, cuốn hút học sinh. Biết nhiều em học sinh không yêu thích môn Văn, nên cô Hà đã tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, không để học sinh học thuộc thụ động, máy móc mà tăng cường tương tác, giao nhiệm vụ, tổ chức cho học sinh làm việc để tự chiếm lĩnh tri thức, từ đó hình thành, nâng cao năng lực bản thân. Cùng với kiến thức khoa giáo, cô còn giúp học sinh biết tôn trọng sự khác biệt và đạt được sự độc lập trong tư tưởng, có suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình, không nói theo, sao chép thụ động ý tưởng người khác. Từ sự tận tâm, trách nhiệm, trong suốt 32 năm dạy học, cô Hà đã có 30 năm liên tục được nhà trường và tổ chuyên môn đánh giá xếp loại chuyên môn giỏi, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhiều năm liền cô Nguyễn Thị Thu Hà đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; hai lần được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cùng với cô Nguyễn Thị Thu Hà, những năm qua, trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều thầy, cô giáo luôn vượt qua khó khăn, trở ngại và đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ không chỉ ở vùng đồng bằng mà cả ở những vùng khó khăn; có nhiều sáng kiến, sáng tạo, áp dụng công nghệ vào việc truyền tải kiến thức cho học sinh.

Điển hình như cô giáo Vũ Thị Thu Hiền - Trường Tiểu học Vân Du, huyện Đoan Hùng, chồng mất sớm một mình nuôi hai con ăn học... Khó khăn chồng chất nhưng cô luôn gương mẫu phát huy vai trò là tổ trưởng tổ chuyên môn, trong các năm qua, cô Hiền luôn chỉ đạo các thành viên trong tổ hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Bản thân có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Gia đình cô được Hội khuyến học xã Vân Du công nhận là gia đình học tập.

Hay trường hợp cô giáo Vương Thị Hải Yến - Trường Tiểu học Lương Sơn A, huyện Yên Lập gác lại nỗi đau chồng và con mất do bệnh hiểm nghèo luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Hàng năm, cô đã tham gia bồi dưỡng nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, đặc biệt năm học 2021-2022 có 29 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện và 18 học sinh đạt giải cấp tỉnh...

Trong suốt những năm học qua, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn tận tâm với sự nghiệp “trồng người”, tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua “Hai tốt”. Nhờ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục được duy trì, giữ vững, kết quả thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi học sinh giỏi luôn đứng trong tốp đầu cả nước.

Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 2A Trường Tiểu học Dữu Lâu, thành phố Việt Trì.

Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (NG, CBQLGD) có vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo. Đảng ta cũng xác định giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, được xã hội tôn vinh và yêu cầu đặt ra là giáo viên phải đủ đức, đủ tài. Do vậy, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới là việc làm cấp thiết, nhất là việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh- TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trên cơ sở rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ và yêu cầu công tác phát triển đội ngũ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hằng năm, căn cứ Kế hoạch trên, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện; kết hợp hài hòa giữa bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót nội dung cần bồi dưỡng. Thực hiện tốt công tác phối hợp, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn. Triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình công tác đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo quy định của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.087 giáo viên đang đi đào tạo, đạt 71,8% kế hoạch đề ra, phấn đấu đến năm học 2024- 2025 sẽ hoàn thành việc cử giáo viên đi đào tạo nâng chuẩn, hoàn thành trước thời hạn theo quy định của Chính phủ (theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, Chính phủ quy định đến 2030). Quan tâm tạo điều kiện để giáo viên được tham gia đào tạo trên chuẩn (thạc sĩ, tiến sĩ), trong giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh cử trên 3.000 giáo viên đi đào tạo trên chuẩn. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên, bằng phương thức xét tuyển thông qua bài giảng thực tế trên lớp, qua đó tuyển chọn được người có năng lực chuyên môn, nhất là kiến thức, kỹ năng sư phạm thông qua đánh giá giờ dạy...

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 26.822 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (bao gồm cả công lập, ngoài công lập, biên chế và ngoài biên chế). Về cơ bản số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên tương đối đảm bảo, cân đối, phù hợp yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đa số CBQL,GV có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống tốt, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tâm huyết trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Với những nỗ lực của ngành Giáo dục trong những năm qua rất nhiều tập thể, cá nhân đã được các cấp ghi nhận, biểu dương khen thưởng. Kết thúc năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT được Chính phủ tặng Cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác; được UBND tỉnh đánh giá là một trong năm sở, ngành xếp loại xuất sắc trong đánh giá xếp loại các đơn vị năm 2021.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/nghe-cao-quy-nhat/188818.htm