Nghệ An, Hà Tĩnh: Nguy cơ thiếu hụt nhân lực

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng một lượng lớn lao động lại lựa chọn các khu vực phía Bắc, phía Nam để làm việc, dẫn đến tình trạng thiếu lao động cục bộ tại một số ngành nghề.

“Khát” lao động

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm may mặc xuất khẩu. Công ty hiện có 1.300 lao động và nhu cầu tuyển thêm công nhân có tay nghề. Từ đầu năm 2023, Công ty đã lên kế hoạch tuyển dụng bổ sung thêm lao động nghề may nhưng số lượng nộp hồ sơ cũng như công nhân có tay nghề rất khan hiếm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh cho biết: “Công ty đã có những chính sách như hỗ trợ tiền đi lại, hợp đồng với đơn vị vận tải hỗ trợ xe đưa đón đối với các công nhân ở xa, thưởng năng suất, hỗ trợ người lao động có con nhỏ, phụ nữ đang mang thai. Thậm chí, trong thời kỳ thiếu lao động, Công ty còn thưởng cho công nhân giới thiệu được người khác vào làm việc. Nhưng với những chính sách đó thì vẫn chưa đủ để người lao động có sự gắn bó với nghề may. Công nhân cần bổ sung chưa đáp ứng được số lượng Công ty cần tuyển dụng”.

Tình trạng thiếu hụt lao động trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung vào một số ngành nghề lĩnh vực như may mặc, linh kiện điện tử, kỹ thuật và chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp này có nhu cầu sử dụng nhân lực lớn và chủ yếu tuyển dụng lao động trình độ phổ thông. Các vị trí việc làm cao hơn như quản lý, văn phòng, hành chính lại yêu cầu khá cao về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nên lực lượng lao động địa phương không đáp ứng được, do đó, các doanh nghiệp buộc phải tìm người ở nơi khác.

Dệt may là một trong những ngành thường xuyên thiếu hụt lao động tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Ảnh: MẠNH HÙNG

Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất cấu kiện điện tử, có tổng mức đầu tư 200 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Nhà máy đi vào hoạt động ổn định có thể sử dụng khoảng 8.000 lao động đến năm 2025.

Bà Lê Đan Lin, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam cho biết: “Hiện nay, Công ty đang cần tuyển người lao động có kinh nghiệm cao vào nhiều vị trí như: Kế toán, chủ quản kho, trưởng phòng IT, nhân viên công nghệ thông tin, phần mềm... Các vị trí này yêu cầu chuyên môn tay nghề và đặc biệt cần biết tiếng Trung để có thể chuyển giao, vận hành nhà máy đạt đến các tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng đã lâu nhưng rất khó để tìm ứng viên phù hợp”.

Lương thấp và vấn đề môi trường làm việc

Nghệ An hiện có gần 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, 66,4% đã qua đào tạo nghề, trong đó 26,3% có văn bằng chứng chỉ. Tuy nhiên, một lượng lớn (hơn 500.000) lao động đang làm việc tại các địa phương khác hoặc đi xuất khẩu lao động thay vì chọn gắn bó tại quê nhà.

Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là mức lương các doanh nghiệp tại Nghệ An trả cho người lao động thấp, chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng và thấp hơn nhiều so với mức lương của doanh nghiệp tại các tỉnh phía Bắc, phía Nam. Đặc biệt, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trả lương cho người lao động thấp hơn mặt bằng chung nền kinh tế. Ngoài vấn đề tiền lương, doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện nghiêm các chế độ phúc lợi xã hội với người lao động. Mặt khác, hệ thống dịch vụ như nhà ở, trường học, thương mại tại các khu công nghiệp chưa có nên không thu hút và giữ chân được lao động địa phương.

Chị Bùi Thị Hải (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã có nhiều năm làm việc tại các vị trí từ kế toán đến quản lý nhân sự tại một số công ty ở những khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Biết tiếng Trung và có kinh nghiệm ở các vị trí nên chị có nhiều cơ hội việc làm. Thời gian gần đây, chị có ý định về quê lập nghiệp nhưng làm việc ở một số công ty tại Nghệ An, chị đều rời bỏ vì thu nhập, chế độ đãi ngộ thấp hơn so với vị trí làm việc. Chị Hải tâm sự: “Các công ty phía Nam không những lương cao hơn, chế độ phúc lợi đầy đủ mà môi trường làm việc còn chuyên nghiệp và doanh nghiệp có thái độ trọng dụng người lao động”.

Chị Nguyễn Hà Linh (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đang làm công nhân tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc trên địa bàn chia sẻ: “Lương cơ bản hiện nay là 4,1 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca nhiều, đi làm đêm thì người làm lâu năm mới được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập rất "bèo" so với sức lao động bỏ ra, nhưng vì hoàn cảnh nên vẫn bám trụ tại quê hương”.

Tại Hà Tĩnh, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn chỉ 87.958 người, còn số đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động là 186.760 người. Con số chênh lệch đó thể hiện rằng, tình trạng “chảy máu” lao động diễn ra đáng báo động tại tỉnh này.

Theo dự báo của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, đến năm 2025, tỉnh sẽ cần 60.000-70.000 lao động. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 36 dự án với quy mô gần 220.000 tỷ đồng, cho nên, nhu cầu sử dụng lao động những năm tới là rất lớn.

Ông Đinh Văn Phong, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An nêu ý kiến: “Để thu hút, giữ chân được lao động tại địa phương, cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều phía. Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao chế độ tiền lương và có chính sách trọng dụng lao động hơn. Nghệ An cũng đang tính đến việc đầu tư hệ thống dịch vụ tại khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Dịch vụ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người lao động, trường học, cơ sở chăm sóc y tế, dịch vụ thương mại... đáp ứng được nhu cầu của người lao động để họ yên tâm ở lại lập nghiệp tại quê hương”.

Trước đây, Nghệ An và Hà Tĩnh chưa có nhiều khu công nghiệp, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng những năm gần đây, kinh tế của hai địa phương này có nhiều phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư. Năm 2022, Nghệ An và Hà Tĩnh đứng trong tốp 10 địa phương có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Hai tỉnh này cần có những chính sách kịp thời để giữ chân người lao động, hướng đến thu hút lao động có chất lượng từ những vùng miền khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

HOÀNG HOA LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nghe-an-ha-tinh-nguy-co-thieu-hut-nhan-luc-737724