Nghệ An có 24 dự án đầu tư của Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 167 triệu USD

Tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký 166,7 triệu USD.

Các dự án may mặc, linh kiện điện tử hoạt động hiệu quả

Trong số 24 dự án có tới 19 dự án với tổng vốn đăng ký 70,97 triệu USD ở ngoài khu công nghiệp và 5 dự án/95,73 triệu USD ở trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

Công ty may Haivina Kim Liên (Nam Đàn) là một doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, đầu tư vào Nghệ An từ 2011. Trải qua nhiều khó khăn, với sự hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh Nghệ An, các ban, ngành, huyện Nam Đàn, doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn và đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, các đơn hàng luôn ổn định do công nhân được đào tạo tay nghề cao, uy tín, doanh nghiệp tạo được chữ tín với đối tác, bạn hàng.

Trao đổi về những hoạt động của đơn vị, bà Chu Thị Ngọc - trợ lý Tổng Giám đốc cho biết: Công ty hiện có 2.500 lao động, mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng chưa tính ăn ca. N goài ra còn có các chế độ đãi ngộ khác như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đi lại. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, an ninh, an toàn sản xuất được đảm bảo, đặc biệt việc cắt điện do nắng nóng cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Sản xuất ở Nhà máy may Hivina Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Trân Châu

Ở Nhà máy Sang Woo Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư 100% vốn Hàn Quốc ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn giữ được ổn định sau dịch bệnh Covid-19. Nhà máy may này hiện đang tạo việc làm cho 1.379 lao động địa phương, chủ yếu ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Vinh, Thanh Chương, Yên Thành... Hàng hóa của công ty chủ yếu xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ với công suất 5 triệu sản phẩm/năm. Doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 105 tỷ đồng, nộp ngân sách 750 triệu đồng. Đại diện doanh nghiệp cho biết, với sự hỗ trợ tối đa từ tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam, doanh nghiệp hiện đã đi vào hoạt động ổn định và đang tiếp tục tuyển dụng lao động.

Sản xuất ở Nhà máy may SangWoo Hàn Quốc ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: P.V

Các lĩnh vực doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở Nghệ An chủ yếu là dệt may, sản xuất linh kiện điện tử, tư vấn dịch vụ, siêu thị... Có thể kể tên các doanh nghiệp như: Nhà máy sản xuất da và dệt may Prex Vinh (Đô Lương), công suất 3 triệu sản phẩm/năm; nhà máy sản xuất trang phục của Công ty TNHH Wooin Industries ở cụm công nghiệp Tháp Hồng Kỷ (Diễn Châu), Trung tâm Marketing và Tư vấn đầu tư Việt - Hàn (thành phố Vinh), Nhà máy in thêu logo trên trang phục may sẵn gắn với thành lập Công ty With Vina, Công ty TNHH With Embroidery (cụm công nghiệp Lạc Sơn), Nhà máy Em-Tech Việt Nam (khu công nghiệp VSIP Nghệ An), trung tâm Lotte Vinh (thành phố Vinh) với hoạt động mua sắm, dịch vụ, ẩm thực; Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Cấm); Nhà máy sản xuất hàng may mặc Sangwoo Việt Nam, Nhà máy sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác Kyungshin Nghệ An, công suất 300.000 sản phẩm/năm ở Khu kinh tế Đông Nam.

Nhìn chung, các dự án đầu tư FDI của Hàn Quốc tại tỉnh Nghệ An thời gian qua có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động, thúc đẩy xuất khẩu và đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của tỉnh.

Rau quả bày bán tại siêu thị Lotte (Hàn Quốc) ở thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Phúc

Thiết thực các dự án hỗ trợ phát triển chính thức ODA

Những năm qua, với mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung và Nghệ An và các tổ chức, doanh nghiệp ở Hàn Quốc nói riêng, Hàn Quốc đã có những dự án hỗ trợ chính thức ODA hiệu quả. Dự án xây dựng Trường Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc được KOICA hỗ trợ năm 1999 là ví dụ điển hình.

Trường Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc được thành lập ngày ngày 04/12/1998 theo Quyết định số 1272/QĐ.UBND của UBND tỉnh Nghệ An. Tháng 10 năm 1999, Dự án giai đoạn I được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư xây dựng với tổng số vốn là 5 triệu USD; Vốn đối ứng của tỉnh Nghệ An là 11 tỷ đồng.

Ngày 15/2/2007, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc theo Quyết định số 258/QĐ-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đầu tư giai đoạn II với tổng số vốn là 2,45 triệu USD; Vốn đối ứng của tỉnh Nghệ An là 30 tỷ đồng.

Hiện nay hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc là hình mẫu về quan hệ đối tác truyền thống ở Đông Nam Á. Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã sang thăm Việt Nam và đi cùng có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, hứa hẹn thời gian tới thu hút đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng khởi sắc.

Riêng tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu; dịch vụ tài chính, ngân hàng; giáo dục; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại, logistics và chuỗi cung ứng...

Về đối tác thu hút đầu tư, hướng đến các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có chuỗi cung ứng, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.

Nghệ An là đất lành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, với nhiều dự án đang hoạt động hiệu quả. Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Nghệ An mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền và các ban, ngành về thuế, thông quan, môi trường, phòng cháy chữa cháy...

Ông Un Hyun Soo - Tổng Giám đốc Công ty SangWoo

Trân Châu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nghe-an-co-24-du-an-dau-tu-cua-han-quoc-voi-tong-von-dang-ky-gan-167-trieu-usd-post272117.html