Ngày Tết quê tôi

Tết rồi. Cái Tết năm nào cũng đến, đúng vào ngày ấy, tháng ấy, mùa ấy; tất bật, háo hức và xao xuyến.

Mẹ tôi chăm bụi dong từ trong năm, tưới nước vo gạo, đậy rạ mùa cẩn thận để chống sương. Ấy vậy mà có năm đám lá dong xanh ngắt vẫn bị sương muối làm cho xác gần hết. Cây bưởi góc vườn bố nâng niu từng quả, chờ cho ngậm đủ nắng, gió, sương, đủ ngấm giá rét cuối năm chín ươm vàng đến trước Tết ông Công, ông Táo là cắt xuống cất trong góc nhà.

Gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: CTV.

Hương bưởi chín lúc man mát, lúc ngào ngạt quyện với mùi trầm tỏa ra từ hộp hương vòng bọc giấy điều mẹ mua từ phiên chợ sớm để dành. Mùi măng khô, mộc nhĩ ngai ngái. Mùi bột nghiền bọc kỹ trong tấm ni lông dày vẫn vương hương nếp thơm ngậy khiến lũ trẻ chúng tôi nghĩ đến món kẹo lạc, chè lam mà tứa nước miếng. Trong nhà lúc nào cũng thoang thoảng mùi Tết. Chúng tôi đếm từng ngày mà Tết thì cứ đến chầm chậm trong nỗi háo hức, thèm muốn, mong chờ.

Một món ăn ngày Tết tuy không phải là món chính song khâu chuẩn bị lại vào hàng công phu và cầu kỳ nhất, ấy là món bánh tro. Từ bao giờ trong năm, mẹ tôi trữ vỏ bưởi, vỏ cam quýt, vỏ lạc, cây đỗ tương, cây dền gai, quả mỏ (quả thừng mực), những cành củi xoan; tất cả đem phơi khô giòn dành dụm kỹ càng như một món đồ quý. Giờ là lúc mang ra đốt đến cháy kiệt thành tro mịn như bột, đánh với nước vôi trong. Không phải ai cũng có đủ khéo léo và kinh nghiệm để chuẩn bị thứ nước công phu, cầu kỳ, kỹ lưỡng để làm bánh tro như thế.

Nước vôi nếu pha không cẩn thận hoặc sẽ non tay hoặc sẽ quá tay, bánh có thể bị “nhạt vôi” hay “mặn vôi”, mất đi vị thơm ngon đặc trưng cần có. Vì thế, chợ quê trước Tết thường có các bà gánh những thùng nước tro đi bán cho người không biết làm nước bánh. Lá gói bánh tro phải là loại lá dong cỡ nhỏ nhất, vừa đủ độ già, luộc chín rồi rửa sạch, buộc thành từng túm đem treo lên dây phơi cho khô quắt lại, trước khi gói ngâm nước sạch cho nở hết cỡ rồi lại treo lên cho ráo nước, lau khô, cắt cuống mới đem gói bánh, mỗi chiếc lá một chiếc bánh, giàng bằng dây chuối, lạt giang tước nhỏ hay ngày nay thuận tiện hơn người ta giàng bằng dây ni lông bán từng cuộn lớn ngoài chợ mua về xé mảnh từng sợi.

Đào vườn bên bờ giậu chìa những cành mốc đơm đầy nụ, lác đác mấy bông hoa vừa hé nở nghênh xuân. Tết đâu có nhạt, Tết chỉ thật mới mẻ, mỗi năm mỗi mới hơn; Tết cũng như thanh xuân vậy, trẻ trung, năng động, tươi đẹp, căng tràn sức sống mà vẫn trầm lặng, thẳm sâu, nồng đượm tiếp nối mỗi mùa.

Lá gói bánh tro phải luộc kỹ, phơi khô quắt để diệp lục chín hết, không ngấm sang gạo khi luộc, như vậy ruột bánh giữ được nguyên màu hổ phách khi bóc ra ăn.

Gạo nếp ngon vo sơ, tãi ra nong, nia hong khô rồi mới đem ngâm nước tro qua một đêm cho ngấm, sáng sớm vừa vớt gạo trong nồi ngâm nước vừa gói. Một đấu gạo cho khoảng 20 chiếc bánh xinh xinh, xếp vào nồi, nấu sôi, ninh tiếp trong 6 tiếng, để nguội mới vớt, sau bóc bánh không bị dính vào lá.

Khi luộc bánh, nhớ bỏ vào nồi nắm đọt măng non cắt trong bụi tre ven đê, nếu không kiếm được măng tươi thì thay bằng mấy miếng măng khô rửa qua cho sạch bụi bặm. Bánh tro chuẩn vị của mẹ làm thường trong suốt màu hổ phách, dền dai, thơm mùi nếp, vị vừa vặn của vôi, nếu quá vôi bánh chuyển sang vị hơi đăng đắng. Toàn bộ quá trình chuẩn bị nguyên liệu, lá dong gói bánh cho đến dụng cụ đựng, luộc tuyệt đối không được để dính chút dầu mỡ ăn, nếu không hạt gạo bị sượng, hỏng cả nồi.

Trước Tết vài ngày, các cô thôn nữ rủ nhau đi thị trấn, sang hơn có năm kéo nhau xuống chợ hoa thị xã mua hoa thược dược, đồng tiền, violet, cánh bướm, cúc xu xi về cắm Tết. Mấy cành bồng bồng xanh mướt ung dung ngự hai bên bàn thờ, thêm cành đào cắt trong vườn vào là cả căn nhà bừng lên sắc xuân.

Cữ 28 - 29 Tết, cả làng như không ngủ, nửa đêm gà gáy rộn tiếng lợn kêu, tiếng í ới giục nhau đặt thêm nước nóng, nhặt rau thơm, rang lạc, tiếng dao thớt kì cạch. Đống củi gộc tre bổ phơi khô chất đống cất kỹ góc vườn giờ mới được dịp mang nấu bánh chưng. Cả làng ngào ngạt một không gian ẩm thực: Mùi cháo lòng rau răm, hành lá, mắm tiêu, mùi giò lụa lá chuối nóng hổi vừa vớt, mùi lá dong xanh quyện với gạo nếp và khói bếp trong giá rét. Mùi Tết.

Sáng 30 Tết, ông nội tắm chuối, tắm bưởi, cam, quất, trứng gà đủ mâm ngũ quả bày lên bàn thờ. Tất cả đã tươm tất, đượm nồng chờ thời khắc thiêng liêng nhất - giao thừa, để nghe tiếng pháo nổ đì đùng lúc gần lúc xa. Chúng tôi sẽ thò đầu ra khỏi chăn ấm, lặng yên nghe tiếng ông nội thì thầm trò chuyện với tổ tiên trước bàn thờ khói nhang thơm ngát. Nhớ nhé, mùng Một Tết không được nói to, không được quát mắng, không để đổ vỡ đồ dùng; nói những ngôn từ đẹp để cả năm may mắn, hanh thông, khỏe mạnh, tránh mất dông.

Sáng mùng Một Tết, mẹ gọi tôi dậy thật sớm phụ nấu nướng sắp mâm cúng cụ, nấu nồi nước mùi già thật to tỏa hương thơm ngào ngạt. Luống mùi già cây tía gắt từ gốc lên ngọn vì giá rét cứng đanh lại, những chùm hoa trắng nở li ti gọi mời đàn ong mật rù rì vờn quanh, rồi hoa kết quả từ lúc nào không hay, già khô nguyên trên luống. Mẹ nhổ cả rễ, buộc thành từng bó treo lên dây phơi hong gió bấc cho khô kiệt vò lấy hạt cất vào cái be sành, nút kín dành đợi mùa sau. Xác mùi già đem đun nước tắm tất niên, cả nhà rửa mặt sớm mùng Một Tết. Cả đất trời, cả vườn, bếp, cổng ngõ, xóm làng đượm mùi Tết. Cái mùi hương vừa rành mạch, rõ ràng, vừa hòa quyện khó tả, vừa ấm áp, thơm nồng đánh thức từng tế bào nơi sâu thẳm con tim.

Giờ nhiều người than Tết nhạt, Tết giờ chả còn được như Tết xưa. Lại có không ít người hô hào nhập Tết dương với Tết âm làm một, để dành thời gian làm việc thay vì ăn uống tiệc tùng liên miên, bù khú; để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Tết giờ như có quanh năm, ăn ngon quanh năm, mặc đẹp quanh năm, hoa cao cấp, đắt tiền thích thì mua về cắm chưng ngày này sang tháng khác, đâu cần chờ đến Tết. Nhà đẹp, xe sang, nhiều người chỉ chờ Tết đến là khóa cửa cả gia đình kéo đi du lịch nước ngoài, mùng 5 Tết lại về nghỉ ngơi 1 ngày trước khi đi học, đi làm trở lại, khỏe re vì bớt phải ăn uống tụ tập mệt phờ vì rượu, thịt.

Tết nay, Nhà nước còn cấm uống rượu bia mà lái xe. Nhiều người phàn nàn, thế thì còn đâu bản sắc văn hóa của người Việt. Rồi hàng quán người ta đến phải đóng cửa hết chứ bán cho ai. Nhiều người lại mừng vì vậy càng khỏe, bớt thương vong, tai nạn.

Mỗi năm, mẹ vẫn đi chợ phiên đầu tháng Chạp mua sẵn lá dong về buộc kỹ bỏ gầm giường cho tươi lâu; mua lạt giang về cặm cụi buổi tối ngồi nối lạt để giàng bánh; chuẩn bị mắm, tiêu, mì chính, miến, mộc nhĩ, nấm hương - những thứ dùng để nấu các món ăn ngày Tết bọc sẵn trong mấy lần túi bóng để chống ẩm khi trời chuyển nồm. Sáng sớm ngày 29 Tết, trời rét như cắt mẹ dậy thật sớm đãi gạo nếp cho thật sạch, xóc muối, đãi đỗ; cái khăn len đội đầu, ngồi chong đèn gói bánh chưng.

Giờ em dâu thay tôi ngồi bên giúp mẹ nối dây, cắt lạt, giàng bánh, xếp cuộng dong vào đáy nồi. Bố vẫn hì hụi bắc bếp, chất củi nhóm lửa ở góc sân luộc bánh. Bọn trẻ được giao canh nồi bánh chưng ôm điện thoại, lúc lúc lại cười đùa ré lên, chạy đuổi nhau quanh sân. Không còn củi gộc tre, củi nấu bánh phải mua những đầu thừa đuôi thẹo của mấy xưởng mộc quanh xã, mà cũng phải mua từ sớm không là hết.

Xã nhà giờ thành thị trấn, thôn thành tổ dân phố, chắc ít lâu nữa chính quyền sẽ cho đánh số nhà. Đàn con giờ mỗi đứa mỗi nơi, lập gia đình, sinh cháu, chắt. Mỗi năm hẹn nhau ngày về ăn bữa cơm đoàn viên ngày cuối năm cùng bố mẹ, ra thăm mộ ông bà nội thắp nén nhang thơm; lội ruộng tỉa nắm hành, tỏi, nhổ mấy gốc mùi già đem hương quê về thành phố chờ chiều 30 Tết.

Thôn giờ mới rồi, kiểu mẫu rồi, còn nâng cao nữa; nên đường quê cứ sạch bong, đèn điện sáng trưng ban đêm. Cánh thanh niên treo cờ đuôi nheo phấp phới khắp các ngõ xóm; trước Tết cả chục ngày, nửa tháng nhà nào nhà ấy dọn dẹp cổng ngõ tinh tươm. Hò nhau đụng lợn có khi từ 26, 27 Tết. Hoa trong vườn, trong chậu, hoa treo giò trước sảnh đu đưa trong gió ngày cuối năm. Nhiều dinh cơ ở thôn quê như “rì sọt”, nhạc mở tưng bừng. Đào vườn bên bờ giậu chìa những cành mốc đơm đầy nụ, lác đác mấy bông hoa vừa hé nở nghênh xuân. Tết đâu có nhạt, Tết chỉ thật mới mẻ, mỗi năm mỗi mới hơn; Tết cũng như thanh xuân vậy, trẻ trung, năng động, tươi đẹp, căng tràn sức sống mà vẫn trầm lặng, thẳm sâu, nồng đượm tiếp nối mỗi mùa.

Mỹ Bình

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/418516/ngay-tet-que-toi.html