Ngành Y tế Ninh Bình nỗ lực 'giữ chân' nguồn nhân lực khu vực công - (Kỳ III): Giải pháp 'giữ chân' nguồn nhân lực công

Thời gian qua, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tại Ninh Bình đã có một bộ phận nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác ra ngoài hệ thống y tế công lập. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thực trạng này dù chưa ở mức 'báo động', song ngành Y tế Ninh Bình đã có những giải pháp nhằm 'giữ chân' nguồn nhân lực y tế cho khu vực công, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngành Y tế khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2022.

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có các giải pháp, chế độ đãi ngộ nhằm giữ chân và thu hút nhân lực y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện luôn quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho viên chức, người lao động bằng việc đảm bảo tiền lương, nguồn thu nhập tăng thêm hợp pháp. Cùng với đó, tạo môi trường làm việc thân thiện; nhân viên được lãnh đạo Bệnh viện quan tâm, tôn trọng và đối xử bình đẳng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác khám, chữa bệnh; tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, nhân viên nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Đặc biệt, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân..., tạo động lực để họ yên tâm công tác, gắn bó với Bệnh viện.

Theo bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua, nhất là trong gần 3 năm chống dịch COVID-19, số lượng nhân lực ngành Y tế Ninh Bình có sự biến động. Xu hướng nhân lực, nhất là bác sĩ thôi việc có chiều hướng gia tăng nhưng không nhiều, thấp hơn nhiều so với tình hình chung của cả nước. Với sự quan tâm đến ngành Y tế, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ, thu hút đội ngũ thầy thuốc có trình độ cao nhằm bổ sung, khắc phục kịp thời tình trạng thiếu bác sĩ tại các cơ sở y tế.

Từ năm 2011 đến nay, Ngành Y tế đã triển khai hiệu quả chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế.

Từ năm 2006-2019, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị đào tạo 166 bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng và 33 bác sĩ, dược sĩ cử tuyển, góp phần bổ sung kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Y tế, khắc phục tình trạng mất cân đối, thiếu hụt bác sĩ, dược sĩ giữa hệ điều trị với hệ dự phòng, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, nhất là tuyến xã.

Năm 2022, toàn ngành đã tuyển dụng 154 biên chế với nhiều bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, công tác xã hội viên đại học... Mỗi năm, có hàng trăm công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước... Qua đó từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, ngành Y tế đã triển khai hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn ngành.

Năm 2018, toàn ngành có 1 đơn vị tự chủ nhóm 2; đến nay tăng lên 6 đơn vị tự chủ nhóm 2, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp y tế... Đặc biệt, các chế độ, chính sách của công chức, viên chức và lao động ngành Y tế tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ, chính sách về lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Y tế vẫn chưa phù hợp, chưa tương xứng với thời gian đào tạo, đặc thù nghề nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và nhu cầu cuộc sống.

Trong đó, chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ ngành Y tế còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở tuyến cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng, bộc lộ rõ nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến làn sóng nghỉ việc của cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn cả nước, trong đó có tỉnh Ninh Bình; đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc tuyển dụng, sử dụng, thu hút, giữ chân nhân lực ngành Y tế, đặc biệt là bác sỹ, dược sỹ, kỹ thuật y có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

Nghị định số 05/2023/NĐCP ngày 15/2/2023 của Chính phủ đã bổ sung mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết 31/12/2023 là 100%, thể hiện sự quan tâm, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tuy nhiên, còn những băn khoăn về việc quan tâm chế độ, chính sách ưu đãi đối với những đơn vị khác cũng có khó khăn về nhân lực như trong lĩnh vực Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh, các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Y tế, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (đặc biệt là đối với Cơ quan Sở Y tế mặc dù là cơ quan quản lý cấp trên nhưng mức thu nhập thấp nên vô cùng khó khăn trong thu hút, tuyển chọn được nhân lực đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác về làm việc).

Trước thực tế đó, ngành Y tế đã có những đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Các cấp có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho ngành Y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đề nghị Bộ Y tế sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về một số chế độ, chính sách cho cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Thực tế hiện nay, viên chức ngành Y tế không có chế độ phụ cấp thâm niên nghề như đối với các ngành giáo viên, công an, quân đội và một số ngành khác. Do đó, đề xuất Bộ Y tế và các cấp có thẩm quyền xem xét, trình Chính phủ bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với viên chức y tế...

Với trách nhiệm của mình, để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian tới, ngành Y tế Ninh Bình tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, công tác đào tạo, phát triển nhân lực nói riêng.

Tập trung triển khai đồng thời, hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tập trung nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, phát triển dịch vụ kỹ thuật mới; tăng nguồn thu từ công tác khám, chữa bệnh BHYT, góp phần từng bước cải thiện đời sống cho cán bộ, nhân viên.

Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm, bổ sung máy móc, trang thiết bị kỹ thuật; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho các cơ sở y tế; đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức về tiền lương, tiền thưởng…

Tiếp tục tuyển dụng, thu hút đủ số lượng, cơ cấu nhân lực y tế theo đề án vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc và của toàn ngành. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Mỹ Hạnh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nganh-y-te-ninh-binh-no-luc-giu-chan-nguon-nhan-luc-khu-vuc/d20230922081153761.htm