Điểm báo 21/5: Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần: Từng bước tháo gỡ vướng mắc

Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần: Từng bước tháo gỡ vướng mắc; Để thương hiệu việt không bị đánh cắp; Bao giờ mới hết cảnh rác ngập làng nghề, dân khốn khổ vì ô nhiễm?;... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 21/5.

HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN: TỪNG BƯỚC THÁO GỠ VƯỚNG MẮC (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, hiện đang có 2 phương án của Chính phủ trình Quốc hội.

Giới chuyên gia phân tích, với phương án 1, nếu tham gia BHXH từ 60 tháng trở lên, khi người lao động (NLĐ) gặp rủi ro, thân nhân được hưởng chế độ mai táng phí, chế độ trợ cấp tuất một lần sẽ giảm bớt gánh nặng cho xã hội và gia đình. Ở góc độ khác, cho rằng chính sách cho người lao động rút BHXH một lần cần được tiếp tục duy trì, không phân biệt trước hay sau khi có luật mới, bởi đây là quyền lợi chính đáng của NLĐ. Hiện cơ quan BHXH chưa đủ căn cứ để giải quyết hưởng BHXH một lần theo nguyện vọng của NLĐ do quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí đối với NLĐ (do đơn vị sử dụng lao động ban hành) vẫn đang còn hiệu lực. Vì vậy, để giải quyết kịp thời quyền lợi BHXH đối với NLĐ và tránh phát sinh đơn thư khiếu kiện, BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ LĐTBXH đồng ý giải quyết hưởng BHXH một lần theo đề nghị của NLĐ khi hồ sơ bảo đảm theo quy định.

ĐỂ THƯƠNG HIỆU VIỆT KHÔNG BỊ ĐÁNH CẮP (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Báo Kinh tế và đô thị viết, trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, các DN Việt Nam có xu hướng tìm đến các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế như Amazon, eBay, Alibaba... để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, việc bảo vệ thương hiệu Việt tại thị trường nước ngoài và trên không gian mạng vẫn đang là một thách thức lớn.

Có đến 80% doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, dẫn tới tình trạng sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở thị trường quốc tế là thực tế doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Để hạn chế việc thương hiệu Việt bị rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, nhiều kiến nghị được gửi tới cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Đồng thời cần đưa thêm những điều khoản luật về việc mua lại thương hiệu Việt qua cổ phần hóa.

BAO GIỜ MỚI HẾT CẢNH RÁC NGẬP LÀNG NGHỀ, DÂN KHỐN KHỔ VÌ Ô NHIỄM (THANH NIÊN)

Hàng nghìn làng nghề trên khắp cả nước đã góp phần không nhỏ trong việc tái sinh phế liệu và tạo sinh kế cho người lao động. Tuy nhiên, với hình thức tự phát, công nghệ lạc hậu, nhiều nơi bị ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe...

Đăng tải trên báo Thanh niên, tại một số làng nghề, các công đoạn như làm sạch, xay tạo hạt… đều trực tiếp xả thải ra nguồn nước, gây ra ô nhiễm. Nhiều rác thải khó tái chế như vỏ nhãn mác chai nhựa, đồ gia dụng, xốp… được chất thành đống mỗi ngày, sau đó được xử lý bằng cách đốt, chôn lấp hoặc vứt thẳng ra bờ sông, đường phố. Đặc biệt, những người làm nghề tái chế luôn có sự đề phòng với những câu hỏi liên quan đến ô nhiễm bởi quan điểm của họ là "ô nhiễm nhưng có tiền". Vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã cố gắng định hướng làng nghề để sản xuất, trở thành cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, vấn đề về ô nhiễm chỉ giảm được phần nào do phần lớn các hộ kinh doanh đang sử dụng công nghệ, trang thiết bị không đạt chuẩn. Để cân bằng được cán cân giữa việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề tái chế vẫn là câu hỏi khó, cần nhiều thời gian để nghiên cứu.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-21-5-huong-che-do-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-tung-buoc-thao-go-vuong-mac-222842.htm