Ngành Y tế Ninh Bình nỗ lực 'giữ chân' nguồn nhân lực khu vực công - (Kỳ II): Gia tăng số nhân viên y tế công lập nghỉ việc, chuyển việc

Thời gian qua, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tại Ninh Bình đã có một bộ phận nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác ra ngoài hệ thống y tế công lập. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thực trạng này dù chưa ở mức 'báo động', song ngành Y tế Ninh Bình đã có những giải pháp nhằm 'giữ chân' nguồn nhân lực y tế cho khu vực công, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Những năm qua, đặc biệt là sau thời gian dài phòng, chống đại dịch COVID-19, số nhân viên y tế khu vực công lập xin nghỉ việc, chuyển công tác đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tỉnh Ninh Bình cũng không ngoại lệ. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập.

Là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình có 12 cán bộ, y, bác sĩ xin chuyển công tác và nghỉ việc, trong đó có những y, bác sĩ có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Điều này không chỉ gây xáo trộn về nhân sự tại đơn vị mà còn ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện.

Thạc sỹ Trịnh Văn Thái, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc, chuyển việc chủ yếu là do áp lực công việc quá lớn, các y, bác sĩ rất khó có cơ hội được chuyên tâm học tập nâng cao và chuyên sâu.

Cùng với đó là điều kiện làm việc vất vả, áp lực nhưng thu nhập lại không tương xứng. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân, mức lương và chế độ thưởng thường cao hơn nhiều lần đã khiến nhiều y, bác sĩ không còn "mặn mà" làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ, mặc dù tình trạng nhân viên y tế chuyển việc tại Ninh Bình nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng chưa ở mức "báo động" như ở nhiều tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến Trung ương, nhưng việc nhân viên y tế rời khỏi cơ sở y tế công lập ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã và đang dẫn đến những hệ lụy bước đầu, như thiếu hụt nguồn nhân lực trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc y tế. Như vậy, đối tượng chịu thiệt thòi cuối cùng chính là người bệnh.

Đáng chú ý, nhiều trường hợp nghỉ việc đều là y, bác sĩ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, các cơ sở y tế công lập thường khó tìm người thay thế, nếu tìm được cũng mất thời gian đào tạo, huấn luyện để có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn có thể đáp ứng yêu cầu thực tế công việc.

Không chỉ ở tuyến tỉnh, tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, từ năm 2020 đến nay đã có 24 nhân viên y tế chuyển công tác và nghỉ việc (21 người chuyển công tác và 3 người nghỉ việc). Khi các nhân viên y tế nghỉ việc, Trung tâm kịp thời được tiếp nhận gần đủ số nhân viên y tế mới để thay thế, tuy nhiên việc đáp ứng được các yêu cầu về công việc thì cần phải có thời gian và phụ thuộc vào trình độ, trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần học hỏi, phấn đấu của mỗi người.

Theo bác sĩ Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, nếu không có chính sách tốt hơn về thu nhập, môi trường công tác, chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến cho nhân viên y tế công lập phấn đấu... để "giữ chân" nguồn nhân lực, thì hệ thống y tế cơ sở sẽ không còn người tài, y tế cơ sở sẽ chỉ còn là nơi đào tạo ban đầu cho các y, bác sĩ về làm việc và khi có điều kiện thì họ chuyển công tác hoặc "nhảy" việc.

Bác sĩ Vũ Thị Yến, Khoa Răng hàm mặt, Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Hiện nay, nhân viên y tế công lập đang có xu hướng lựa chọn và chuyển sang khu vực tư nhân để làm việc.

Nguyên nhân là do ở khu vực y tế tư nhân, áp lực công việc không quá cao, trong khi mức thù lao cao hơn, điều kiện làm việc cởi mở, không quá bó buộc về giờ giấc. Một điều quan trọng nữa là nhiều phòng khám, bệnh viện tư nhân được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế khang trang, hiện đại, điều kiện làm việc khá tốt cho những người năng động, muốn thử sức mình...

Đối với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, là bệnh viện chuyên khoa, yêu cầu về đội ngũ bác sĩ chuyên ngành phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, vấn đề tuyển dụng đã khó, giữ chân nhân viên càng khó hơn. Từ năm 2020 đến nay, tại Bệnh viện có 4 người thôi việc và chuyển công tác khiến cho Bệnh viện ngày càng khó khăn hơn khi số lượng nhân viên y tế vốn đã thiếu rất nhiều.

Bác sĩ Phạm Quốc Vương, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Bệnh viện hiện có 66 người, trong đó có 18 bác sĩ, 30 điều dưỡng. Tính theo số lượng, cơ cấu nhân lực và phân hạng bệnh viện, Bệnh viện còn thiếu hàng chục nhân viên y tế ở tất cả các bộ phận, đặc biệt là ở các chuyên ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, công nghệ thông tin...

Để khắc phục tình trạng thiếu người làm, đa số nhân viên y tế phải tăng ca làm thêm giờ, không được nghỉ bù theo chế độ quy định... Trong khi đó, áp lực công việc nhiều, nguồn thu nhập từ tăng ca chi trả theo quy định lại không cao, chưa tương xứng với công sức mỗi người phải bỏ ra, nhiều nhân viên y tế phải làm việc lâu dài dẫn đến mệt mỏi, mong muốn được chuyển sang nhiệm vụ khác hoặc chuyển việc...

Theo thống kê của ngành Y tế, giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh có 75 viên chức thôi việc, trong đó có 29 bác sĩ, trung bình mỗi năm có 7 bác sĩ thôi việc. Từ năm 2020 đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 78 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 40 bác sĩ, trung bình mỗi năm có 10 bác sĩ thôi việc.

Như vậy, số bác sĩ thôi việc, chuyển việc tăng hơn so với giai đoạn trước, qua đó cho thấy số người có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo nhiều năm có nhu cầu chuyển việc, thôi việc gia tăng.

Mặc dù tỉnh Ninh Bình đã đạt chỉ tiêu số bác sĩ/1 vạn dân và cơ bản khắc phục được tình trạng mất cân đối, thiếu hụt bác sĩ giữa hệ điều trị với hệ dự phòng, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, nhất là tuyến xã, nhưng nhìn chung nhân lực y tế vẫn chưa hợp lý về cơ cấu và chất lượng.

Số nhân viên y tế nghỉ việc ở tất cả các tuyến, cơ sở khám, chữa bệnh tuy chưa ở mức "báo động", song cũng đặt ra cho ngành Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh cần có các giải pháp để "giữ chân" nguồn nhân lực cho mình.

Bài, ảnh: Mỹ Hạnh

Kỳ III: Giải pháp "giữ chân" nguồn nhân lực công

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nganh-y-te-ninh-binh-no-luc-giu-chan-nguon-nhan-luc-khu-vuc/d20230921081257661.htm