Ngành chè: Lợi ích lớn nhờ sản xuất sạch

Sản xuất sạch giúp ngăn ngừa giảm thiểu chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên là cách để DN sản xuất chè tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.

Từng bước tạo sự chuyển biến

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trà túi lọc, nhiều năm qua Công ty TNHH MTV Thương mại, Dịch vụ, sản xuất C.V.C ( gọi tắt Công ty C.V.C) ở TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương luôn trăn trở tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Với sự hỗ trợ từ Sở Công Thương Bình Dương, công ty đã triển khai đánh giá sản xuất sạch hơn, từ đó có những tư vấn giúp công ty tổ chức lại sản xuất, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, đảo bảo tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất.

TS Nguyễn Văn Thanh – Đại diện nhóm chuyên gia tư vấn, Sở Công Thương Bình Dương cho biết, việc đánh giá sản xuất sạch hơn (SXSH) là hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp kiểm soát được đầu vào như nguyên liệu, điện, nước, lao động, công nghệ… từ đó tư vấn cho doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn như: quản lý nội vi, đổi mới thiết bị, công nghệ, quản lý việc sử dụng lao động, tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”.

C.V.C đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất chè giúp tiết kiệm 10-15% nhiên liệu tiêu thụ trong quá trình sao chè

Đến nay theo đánh giá ban đầu các doanh nghiệp chè có tiềm năng tiết giảm lượng nguyên nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15% nếu áp dụng các giải pháp quản lý nội vi hoặc các giải pháp mang tính đầu tư nhỏ không đáng kể. Nếu đầu tư đổi mới thiết bị thì tiềm năng có thể cao hơn rất nhiều.

Ông Trầm Văn Huệ, Tổng Giám đốc Công ty C.V.C chia sẻ: “ Thực tế triển khai cho thấy nếu áp dụng sản xuất sạch hơn, công ty đã giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, nhờ đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn. Nhờ sản xuất sạch, đến nay các sản phẩm của công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực”.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn, đến nay công ty C.V.C cũng như nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bình Dương khác đã nhận thức rõ hơn việc đánh giá và áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp đã ý thức hơn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn, góp phần cải thiện môi trường làm việc và đáp ứng bảo vệ môi trường; mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Ngoài lợi ích trực tiếp tiết kiệm được trong quá trình sản xuất, DN áp dụng SXSH có cơ hội tiếp cận nguồn ưu đãi tài chính, các khoản vay từ các cơ quan tài chính. Hiện chính sách ngày càng ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”- ông Huệ chia sẻ.

Lợi ích lớn từ sản xuất sạch

Cũng đầu tư cho sản xuất sạch hơn, một cơ sở sản xuất chè khác ở Sơn La- HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (gọi tắt HTX Bình Thuận) đã quyết định ứng dụng khoa học và công nghS vào trồng, chăm sóc và chế biến chè.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè, năm 2018, HTX được UBND huyện Thuận Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Phổng Lái - Thuận Châu”. Đến cuối năm 2019, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu". Cũng trong năm 2019, sản phẩm chè của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm Chè Trọng Nguyên của Hợp tác xã được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Ông Trần Thái Hà, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam - đơn vị tư vấn dự án, chia sẻ: Sau 3 tháng thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn, chúng tôi đã xác định những hạn chế trong sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng cũng như quản lý về chất thải của dây chuyền chế biến. Từ đó, đã tư vấn cho cơ sở đầu tư lắp đặt máy biến áp riêng và bố trí tụ bù cho các tủ điện tại xưởng sản xuất, qua đó tiết kiệm được 2% điện năng.

Ngoài ra, HTX cũng nhận được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sơn La thực hiện Đề án hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm. Qua đó, HTX đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu bụi, như: Vệ sinh sạch sẽ và thu hồi ngay nguyên liệu rơi vãi trong các đường chuyền vận chuyển sản xuất chè; che phủ khu nguyên liệu khô; tưới nước các khu vực sinh nhiều bụi.

Lắp đặt các tấm chắn giữa khu vực các băng tải giúp giảm thiểu chè rơi vãi

Đồng thời, thay thế một số thiết bị mới như: Lắp đặt tấm chắn những khu vực giữa các băng tải để tránh rơi vãi chè; lắp đặt hệ thống lọc bụi ướt để giảm thiểu phát tán khí độc ra môi trường bằng cách thông gió tự nhiên phù hợp với TCVN 3288: 1979; chất lượng không khí phù hợp QCVN 19:2009/BTNMT; khu vực cắt, phân loại. Trang bị hệ thống hút bụi nhằm thu hồi bụi để tái chế và tránh phát tán ra ngoài, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Được chuyên gia tư vấn, đến nay hàng chục lao động là người dân tộc tại địa phương trong quá trình sao chè đã biết cách cho nhiên liệu đốt đúng với thời gian và nhiệt độ cài đặt của lò. Để tránh thất thoát nhiệt, phải đóng kín cửa lò, sử dụng cùi ngô đốt lò khô, không ẩm ướt và phải xây thêm một lớp gạch cho lò xao chè, cải tiến thêm lớp bọc các thiết bị sấy, sửa lại cửa lò và vách lò khi sấy.

Bà Nguyễn Thị Bình – Phó Giám đốc HTX Bình Thuận cho biết, với chi phí đầu tư cho việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001; hệ thống hút bụi; hệ thống cung cấp điện; hệ thống nguyên, nhiên vật liệu; hệ thống lò. HTX chỉ phải bỏ ra khoảng 95.000.000 đồng, nhưng tiết kiệm được 32,5 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, kéo dài tuổi thọ cho dây chuyền chế biến.

Bên cạnh lợi ích về kinh tế, thực hiện Đề án đã giúp HTX hoàn thiện quy trình chế biến, giảm lượng chất thải, khí thải ra môi trường. Đây là một trong những lý do thuyết phục tôi tham gia Đề án”. Bà Nguyễn Thị Bình cho biết thêm.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-che-loi-ich-lon-nho-san-xuat-sach-248016.html