Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất huy động, mặt bằng mới được thiết lập

Từ đầu tháng 5 tới nay đã có 6 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Trước đó, trong tháng 4, thị trường đón nhận thông tin 16 ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Khảo sát thị trường cho thấy, tính từ đầu tháng 5 tới nay, đã có 6 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Ngay trong sáng nay (6/5) đã có 2 ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới với xu hướng tăng.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng mạnh lãi suất huy động với mức tăng 0,2 - 0,5 điểm %; đưa lãi suất huy động online kỳ hạn 1 - 2 tháng lên lần lượt 2,7% và 2,9%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, ngân hàng này cũng tăng thêm 0,5 điểm %, lên mức 3,2%/năm; Lãi suất kỳ hạn 4 - 5 tháng cũng được niêm yết ở mức 2,8%/năm, tăng 0,3 điểm %.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) tiếp tục điều chỉnh tăng thêm lãi suất từ 0,1 - 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi 1 - 12 tháng. Từ 3/5, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) tăng lãi suất huy động lên tới 0,35 điểm %.

Và ngay sau kỳ nghỉ lễ, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất, ACB tăng 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi.

Cùng xu hướng chung, lãi suất huy động các kỳ hạn 6 - 10 tháng và 12 - 36 tháng được Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đồng loạt tăng thêm 0,2 điểm %, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 11 tháng tăng thêm 0,1 điểm %. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại NCB tăng lên mức 5,7%/năm, áp dụng cho tiền gửi các kỳ hạn từ 24-60 tháng.

Hay như tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Việt Nam (GPBank), ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn 6 - 36 tháng với mức tăng trung bình 0,2-0,3 điểm %.

Từ đầu tháng 5 tới nay đã có 6 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm (ảnh minh họa).

Như vậy, tính từ đầu tháng 5 tới nay, thị trường đón nhận thêm 6 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Còn trong tháng 4 có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB.

Trong đó, VPBank và KienLong Bank là ngân hàng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kì hạn. OceanBank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm.

Có thể thấy đây là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, thị trường đón nhận số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lớn. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.

Động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động của các ngân hàng được kỳ vọng dòng tiền nhàn rỗi trong dân sẽ “chảy” vào các ngân hàng. Số liệu do Ngân hàng Nhà nước cập nhật mới nhất cho thấy, đến cuối tháng 1/2024, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm.

Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165 nghìn tỷ so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457 nghìn tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.

Còn tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34,6 nghìn tỷ đồng trong tháng 1/2024 xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng dương 25 tháng liên tiếp trước đó. Tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.

An Hạ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngan-hang-don-dap-tang-lai-suat-huy-dong-mat-bang-moi-duoc-thiet-lap-post294383.html