Ngân hàng Chính sách xã hội: Hành trình 21 năm gieo niềm tin và khát vọng

Qua sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 21 năm với người nghèo và các đối tượng chính sách, tư duy làm ăn kinh tế, gắn vốn tín dụng với lợi thế và chính sách phát triển kinh tế địa phương đã giúp đời sống của người dân thay đổi.

Vợ chồng anh Lù Seo Khờ ở xã Tả Ngài Chồ chăm sóc vườn cam từ vốn vay chính sách. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tài Ngải Chồ giờ không còn hộ đói

Anh Lù Seo Khờ (sinh năm 1985, ở thôn Sín Chải A, xã Tả Ngài Chồ) làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2005 và luôn khát khao đổi đời. Song vì không biết trồng cây gì, con gì, nên mãi đến năm 2011, khi thấy quýt sen mang từ Trung Quốc sang bán có giá, một số gia đình ở các huyện trong tỉnh trồng thử thành công, vợ chồng anh mới quyết tâm vay vốn thoát nghèo.

Có 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi, anh nhờ người đưa sang cửa khẩu mua 1.000 cây giống, học kỹ thuật chăm bón và trở thành người đầu tiên trồng quýt sen trên mảnh đất Tả Ngài Chồ. Những năm đầu, vợ chồng anh vừa làm, vừa lo cây quýt trồng 5 năm mới thu hoạch thì không có tiền trả nợ ngân hàng, nên cố gắng chắt bóp tiền nuôi thêm con lợn, con gà và trồng thêm sa nhân. “Lúc ấy khổ lắm, nhưng vẫn phải cố gắng làm lụng, dành dụm mỗi năm 20 - 30 triệu đồng”, anh Lù Seo Khờ kể.

Vụ đầu tiên thu hoạch được 3 tấn quýt sen, bán được 20 triệu đồng, cả gia đình đều phấn khởi. Năm 2018, cùng với việc xã vận động dân mở đường vào núi, tạo thuận lợi cho chuyển đổi cây trồng, anh đầu tư thêm 2 ha quýt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 30 tấn, đưa tổng thu nhập tăng lên 300 - 400 triệu đồng/năm.

“Thực mục sở thị” mô hình trồng quýt hiệu quả của anh Lù Seo Khờ, được anh hướng dẫn, nhiều hộ gia đình trong thôn, trong xã cũng học theo. Lại thêm chính quyền xã vào cuộc hỗ trợ người dân giống quýt và phân bón, nên đến nay, đã có 110 hộ dân trong xã Tả Ngài Chồ trồng quýt với diện tích trồng hơn 88 ha.

Toàn xã Tả Ngài Chồ hiện có 1/3 số hộ dân (khoảng 200 hộ dân) vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tốc độ giảm nghèo khoảng 7 - 8%/năm. Đây cũng là điểm tựa để ông Sùng Seo Sà, Chủ tịch UBND xã tin tưởng với định hướng phát triển mô hình “1 cây, 1 con chủ lực” cho nhân dân. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 58% và tiếp tục giảm tối thiểu 10%/năm trong các năm tiếp theo. “Tài Ngải Chồ giờ không còn hộ đói, chỉ còn hộ nghèo thôi”, ông Sùng Seo Sà vui vẻ nói.

Hành trình gieo niềm tin và khát vọng

Đó chỉ là một trong những kết quả mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt được trên hành trình cung ứng tín dụng chính sách phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại các vùng, miền trên cả nước.

Được biết, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay đạt trên 35.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng nguồn vốn của Ngân hàng, tăng hơn 31.000 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.

Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung vốn cho vay, đưa tổng nguồn vốn thực hiện của Ngân hàng đến ngày 30/9/2023 đạt 333.000 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 310.000 tỷ đồng.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước (giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%, giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%, giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%).

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội không vì thế mà vơi nhẹ thách thức, bởi phần lớn hộ nghèo thuộc lõi nghèo, đặc biệt Trung du và miền núi phía Bắc là “lõi nghèo” của cả nước - nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (13,4%). Những rủi ro bất định trong phát triển kinh tế đang trở thành thách thức cho công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân, đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Trên chặng đường ấy, không chỉ cần những nỗ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội, mà cần có sự chung tay hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cũng như việc xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của Ngân hàng với Quốc hội, Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng phát huy vai trò của ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.

Hà An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-hanh-trinh-21-nam-gieo-niem-tin-va-khat-vong-d200214.html