Ngăn chặn nhiều đối tượng hoạt động 'tín dụng đen'

Thời gian trở lại đây, nhiều đối tượng ngoại tỉnh đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Thông qua các tờ rơi quảng cáo, nhiều người dân do cần vốn làm ăn kinh doanh hoặc cần gấp một số tiền để trả nợ nên đã bất chấp vay tiền nhanh dẫn đến sập bẫy các đối tượng 'tín dụng đen' khi phải trả lãi suất 'cắt cổ'.

Sau nhiều ngày bị đối tượng cho vay nặng lãi đánh gây thương tích, đến nay, bà L.T.T.M (trú tại phường Trường An, TP Huế) vẫn còn bàng hoàng, ám ảnh khi nhắc lại sự việc. Bà M kể, do cần một khoản tiền để kinh doanh buôn bán hải sản nên tháng 1/2023, bà tìm gặp đối tượng Nguyễn Đức Tài (SN 1992, trú tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) để vay 50 triệu đồng. Để vay số tiền này, bà chấp nhận trả tiền gốc và lãi trong 25 ngày, mỗi ngày trả 3 triệu đồng, phí làm hồ sơ vay là 3 triệu đồng.

Đối tượng Nguyễn Đức Tài (trái) cho vay nặng lãi, đánh con nợ thương tích khai nhận tại CQĐT.

Do làm ăn có lợi nhuận nên bà trả hết số nợ cũ và sau đó vay thêm Tài 100 triệu đồng để nhập hàng hóa phục vụ hoạt động kinh doanh. Với số tiền vay này, Tài yêu cầu bà M trả trong vòng 25 ngày, mỗi ngày trả 6 triệu đồng, phí làm hồ sơ 10 triệu đồng. Các khoản vay trên, bà M đều trả hết cho Tài.

Đến tháng 3/2023, do cần thêm 150 triệu đồng để mở rộng việc kinh doanh hải sản nên bà M tiếp tục vay tiền của Tài và cam kết trả trong vòng 25 ngày. “Do số tiền gốc và lãi mỗi ngày phải trả 9 triệu đồng nên sau khi trả được 5 ngày thì tôi không xoay xở kiếm đủ tiền để trả cho Tài. Nhiều lần lỡ hẹn trả nợ nên vừa qua đối tượng Tài tìm đến nhà tôi để đòi nợ. Tôi nói chưa có tiền trả, xin khất nợ thêm ít ngày thì Tài dùng tay, chân, mũ bảo hiểm đánh tôi gây thương tích”, bà M kể lại.

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế cho biết, ngay sau khi nhận tin báo, đơn vị đã vào cuộc xác minh, điều tra. Dựa trên các chứng cứ, tài liệu thu thập được, đơn vị làm rõ đối tượng Nguyễn Đức Tài cho bà M vay tiền với mức lãi suất lên đến 730%/năm, thu lợi bất chính hơn 110 triệu đồng nên đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tài và tiếp tục điều tra làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.

Cùng mục đích hoạt động cho vay nặng lãi để thu lợi bất chính, đối tượng Lê Tuấn Lương từ TP Hà Nội vào tỉnh Thừa Thiên-Huế và thuê nhà trọ trên đường Trần Đại Nghĩa, phường An Tây, TP Huế. Thông qua các hình thức rải, dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền, đối tượng Lương cho nhiều người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế vay tiền với lãi suất từ 121,6%/năm đến 210%/năm với tổng số tiền cho vay hơn 200 triệu đồng.

Trong đó, đối tượng Lương cho chị T.T.L (SN 1998, trú ở phường Trường An, TP Huế) vay tổng số tiền 30 triệu đồng, mỗi đợt vay 10 triệu đồng, trả trong vòng 60 ngày, mỗi ngày trả 200 nghìn đồng, phí làm hồ sơ 200 nghìn đồng; cho chị Đoàn T.M.L (SN 1976, trú phường Vỹ Dạ, TP Huế) vay tổng 52 triệu đồng, mỗi đợt vay 13 triệu đồng, trả trong vòng 40 ngày, mỗi ngày trả 400 nghìn đồng, phí làm hồ sơ là 400 nghìn đồng… Sau khi làm rõ đối tượng Lương thu lợi bất chính 36 triệu đồng từ hoạt động cho vay nặng lãi, Công an TP Huế đã tiến hành bắt giữ đối tượng này.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an TP Huế đã phát hiện, xử lý 6 vụ/7 đối tượng liên quan hoạt động “tín dụng đen”. Thượng tá Phạm Trung Chính, Phó trưởng Công an TP Huế cho biết, trong thời gian gần đây, tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thâm nhập từ các tỉnh miền Bắc vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Các đối tượng cho vay tiền phần lớn từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Quảng Ninh, Lạng Sơn vào Huế sau đó lôi kéo các đối tượng ở trên địa bàn tham gia vào hoạt động “tín dụng đen”. Người vay thường vay với lãi suất rất cao, gấp nhiều lần so với lãi suất quy định, thậm chí lên tới 500-600%.

Với mức lãi này, người vay tiền vay số tiền nhỏ từ các đối tượng nhưng sau đó phải trả một số tiền rất lớn nên có những người phải bán hết tài sản để trả nợ hoặc phải bỏ đi khỏi nơi cư trú. Khi người vay không trả được nợ liền bị các đối tượng dùng các thủ đoạn để đòi nợ như bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, xúc phạm người thân dẫn đến gây mất ANTT.

Trước thực trạng và thủ đoạn tinh vi của tội phạm “tín dụng đen”, lực lượng Công an TP Huế đã xây dựng nhiều kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Công an TP Huế giao trách nhiệm cho Công an các phường, xã tăng cường nắm hộ, nắm khẩu, quản lý chặt chẽ các đối tượng từ nơi khác về địa bàn tạm trú. Qua đó xác minh thông tin nơi cư trú, thường trú của các đối tượng để phát hiện ngay từ đầu các đối tượng vào Huế với mục đích gì. Nếu liên quan đến ma túy, “tín dụng đen”, cờ bạc thì cơ quan Công an sẽ lập hồ sơ quản lý, theo dõi và có biện pháp ngăn chặn từ đầu.

“Công an TP Huế còn tăng cường tuyên truyền đến người dân, khi nhìn thấy hoặc phát hiện tờ rơi quảng cáo cho vay tiền thì cần báo ngay cho lực lượng Công an cơ sở. Từ manh mối số điện thoại trên tờ rơi, cơ quan Công an sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, truy xét, bắt và xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Đồng thời khuyến cáo người dân không vay, mượn tiền qua các tờ rơi quảng cáo, các ứng dụng cho vay tiền nhanh để tránh sập bẫy tín dụng đen, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ”, Thượng tá Phạm Trung Chính khẳng định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tai-chinh-40/ngan-chan-nhieu-doi-tuong-hoat-dong-tin-dung-den-i699058/