Nét duyên trong đường kim, mũi chỉ

Cao Bằng là xứ núi, biêng biếc xanh màu ngọc của rừng, của suối. Nhưng trên nền xanh ngọc ngà ấy luôn được tô điểm bởi những sắc màu tươi mới khác, từ hoa cỏ đến màu áo của đồng bào vùng cao khi xuống chợ chơi xuân.

Quảng Hòa được coi là điểm vàng của làng nghề khi nơi đây tập trung khá nhiều nghề truyền thống, nổi tiếng nhất là làng rèn Phúc Sen, sau đó đến làng hương Phja Thắp, nghề làm ngói máng ở Canh Man, làm giấy bản tại Lũng Rì, Lũng Cát... và nghề dệt, đan thổ cẩm của người Nùng An đã và đang trở thành thương hiệu gắn bó với người dân trong vùng hàng trăm năm nay.

Với bàn tay khéo kéo và sự cần mẫn, những người phụ nữ Nùng An đã biến thứ nguyên liệu từ cây rừng thành bộ trang phục rực rỡ với nhiều họa tiết, màu sắc lộng lẫy, độc đáo.

Việc thêu thùa với con gái người Nùng An trước kia rất được coi trọng, nhìn vào từng đường kim, mũi chỉ có thể biết được đâu là cô gái khéo léo, đảm đang. Khi về nhà chồng họ sẽ mang theo chăn, gối, quần áo, vải vóc tự làm và coi đó như là “của hồi môn” cho hạnh phúc lứa đôi. Tất cả họa tiết thổ cẩm đều được thêu tay trên nền vải chàm truyền thống, đó là sự cách điệu họa tiết hình hoa lá, mặt trời, âm dương ngũ hành, chuyển tải những thông điệp đặc trưng văn hóa của người miền núi.

Dệt thổ cẩm là nghề thủ công có từ lâu đời, giờ không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là sản phẩm du lịch nổi tiếng. Cao Bằng là quê hương của nhiều dân tộc cùng sinh sống với ngôn ngữ, bản sắc riêng và thổ cẩm cũng vậy, thổ cẩm phản ánh khá rõ sự khác biệt về đời sống văn hóa, tâm linh cũng như điều kiện tự nhiên nơi mỗi dân tộc sinh sống. Những sản phẩm từ thổ cẩm góp phần quảng bá rộng rãi bản sắc văn hóa người Nùng An nói riêng và các dân tộc Cao Bằng nói chung đến với nhân dân cả nước.

Nghề dệt của người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Ảnh Thế Vĩnh

Chị Hoàng Thị Kính, xóm Dìa Trên, xã Quốc Dân (Quảng Hòa) cho biết: Đan, dệt thổ cẩm có thể gọi là một nghề bởi độ khó của việc cấu thành từng sản phẩm mang đặc trưng của đồng bào vùng cao, nhưng với người Nùng An có thể không coi đó là một nghề bởi hầu như ai ai cũng biết, nhà nhà xưa kia đều có khung cửi, tự đan, tự dệt. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, cùng sự đổi thay của quá trình hội nhập, sản phẩm thổ cẩm dần bị thay thế bởi mẫu quần áo may sẵn tiện lợi. Nghề đan, dệt chỉ gói gọn lại trong chuyện “truyền nghề”, những người khéo tay cố gắng giữ lấy nghề và cố gắng truyền nghề như một cách giáo dục truyền thống cho thế hệ kế cận.

Với sự chuyển mình từ du lịch, những năm gần đây, nghề đan, dệt thổ cẩm đã có dấu hiệu khởi sắc. Du khách đến với Cao Bằng không chỉ muốn trải nghiệm cảnh quan núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình mà còn mong muốn được trải nghiệm và sử dụng sản phẩm mang sắc màu bản địa.

Tại những phiên chợ vùng cao, nét đặc trưng riêng có chính là sắc màu của thổ cẩm, người dân địa phương dù ngày thường sử dụng nhiều hơn sản phẩm tiện lợi nhưng trong phiên chợ cũng như trong lễ hội họ đều mặc trên mình mẫu áo đẹp nhất mang sắc màu của dân tộc như thầm khoe với du khách sự đảm đang, khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ. Những sản phẩm thổ cẩm nhờ vậy cũng trở thành mặt hàng bày bán được nhiều người ưa chuộng.

Nếu sắc chàm là nền cho sự thuần khiết thủy chung với chỉ độc một màu đen huyền bí thì sắc màu thổ cẩm chính là nét chấm phá, tô điểm cho niềm vui, sự tươi tắn trong đời sống của phụ nữ vùng cao, là thang điểm chấm đặc trưng cho nét duyên, sự khéo tay của người phụ nữ Cao Bằng.

Hàn Thanh Duy

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/net-duyen-trong-duong-kim-mui-chi-3168990.html