Nền kinh tế Trung Quốc đang hướng nội

Những cuộc đình công đòi tăng lương diễn ra liên tục tại các nhà máy của Toyota và Honda tại Trung Quốc dường như là dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế Trung Quốc đang thay đổi.

Nhiều năm qua, những nhà lãnh đạo Trung Quốc coi hàng triệu những công nhân nghèo ở các vùng nội địa là động cơ cho nền kinh tế xuất khẩu của nước này phát đạt. Những công nhân này có thể di chuyển đến các tỉnh ở miền duyên hải, làm việc quần quật trong các nhà máy và sản xuất hàng loạt hàng hóa tiêu dùng cho cả thế giới. Ngày nay, những công nhân kể trên lại đóng vai trò cốt yếu trong nền kinh tế Trung Quốc ở một khía cạnh khác: Họ sẽ phải bắt đầu mua chính những sản phẩm mà họ đã sản xuất ra, trả tiền mua son và đồ lót, ghế nhựa trong vườn và dàn ti vi plasma. Những nhà lãnh đạo coi họ là nhân tố cốt yếu để Trung Quốc thoát khỏi mô hình kinh tế không cân xứng và phụ thuộc quá nhiều vào tiêu thụ của nước ngoài. Một vài nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tái cơ cấu này từ nhiều năm nay, đặc biệt kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hướng lớn đến nền công nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc trong tuần này trong việc làm cho đồng nhân dân tệ trở nên linh hoạt hơn và sự nhượng bộ rõ ràng của các nhà chức trách đối với những cuộc biểu tình đòi tăng lương tại các nhà máy trong thời gian gần đây là những dấu hiệu để các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghiêm túc hơn trong việc thiết kế lại mô hình kinh tế quốc gia. Sự thay đổi về mặt tiền tệ đã mang đến những lợi ích chính trị ngay lập tức, bởi vì Trung Quốc giờ đây có lẽ sẽ chịu ít áp lực hơn vào hội nghị nhóm G20 vào cuối tuần này. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những điều cần phải cân nhắc trong nội bộ nước này. Trên thực tế việc đồng nhân dân tệ không còn bị ghìm chặt vào đồng đôla Mỹ nữa cũng có nghĩa là đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ có sự tăng giá trị và điều này làm cho xuất khẩu Trung Quốc về một khía cạnh nào đó trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới, tuy nhiên điều này sẽ thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc. Tương tự như vậy, những chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích tăng lương cho người lao động nghèo – với ước tính 150 triệu lao động di dân ở các thành phố – cũng có thể khích lệ được nhu cầu mua sắm, nếu như tỉ lệ tăng lương cao hơn so với tỉ lệ lạm phát. Học giả Liu Cheng về luật lao động tại Đại học Shanghai Normal cho rằng thái độ của chính phủ trung ương đối với việc tăng lương hoàn toàn mang tính tích cực bởi vì việc tăng này trực tiếp thúc đẩy tiêu thụ trong nước tăng cao và tổ chức lại nền kinh tế. Ông cũng cho rằng, từ lâu nay, tăng trưởng của lương đã tụt hậu nhiều so với tăng trưởng kinh tế và điều này đã buộc Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc hơn nữa vào xuất khẩu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét lại toàn bộ mô hình kinh tế. Một điều đáng lưu ý là số lượng nhân công giá rẻ đang ngày càng giảm. Dân số Trung Quốc trong độ tuổi từ 15 đến 24 đã đạt mức cao nhất và sẽ tiếp tục giảm trong vòng 1 thập kỷ tới ngay cả khi Trung Quốc thay đổi chính sách một con của nước này theo như kế hoạch của Liên Hợp Quốc. Quan trọng không kém là ngày này những công nhân trẻ không còn sẵn sàng làm việc quần quật trong những điều kiện làm việc mà người lao động một thập kỷ trước có thể chấp nhận được. Một vài nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lên tiếng về sự cần thiết của việc tăng tiêu dùng hộ gia đình. Tuy nhiên, việc tăng lương cũng chỉ là một trong một vài động thái mà chính phủ sẽ phải thực hiện nếu như muốn kích thích tiêu dùng của hộ gia đình. Lãi suất tiết kiệm ở Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với các nước phương Tây, một phần vì người dân dựa vào tiết kiệm để chi trả cho giáo dục và các nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Vào tháng 1 năm 2009, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này dự định sẽ chi 123 tỉ đôla đến năm 2011 để thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn bộ cho 1.3 tỉ dân của nước này, tuy nhiên kế hoạch này hoàn toàn không có đủ kinh phí theo như lời một học giả cho hay. Việc kiểm soát tình hình lạm phát cũng mang tính chất cốt yếu. Tình trạng lương thấp đã giúp làm giảm tỉ lệ lạm phát bất chấp nhiều năm với tỉ lệ tăng trưởng ở mức hai chữ số và nhiều kế hoạch đầu tư khổng lồ của chính phủ. Vào tháng Năm, chỉ số giá tiêu dùng đạt đến 3.1% từ tháng 5 năm ngoái, tuy nhiên chính phủ muốn mức trung bình của cả năm 2010 không cao hơn 3%. Đây cũng là một trong những nhân tố khiến cho Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã phải tuyên bố vào thứ Bảy vừa qua về việc đồng nhân dân tệ sẽ trở nên linh hoạt hơn. Các nhà phân tích cho rằng sự tăng giá đồng NDTbản thân nó không hoàn toàn khiến cho xuất khẩu của Trung Quốc kém cạnh tranh hơn hoặc kiềm chế tính tự chủ của Trung Quốc vào nền kinh tế xuất khẩu. Từ giữa năm 2005 đến giữa năm 2008, đồng nhân dân tệ tăng giá 21% so với đồng đôla Mỹ nhưng giao dịch thương mại của Trung Quốc so với Mỹ vẫn tiếp tục tăng với tỷ lệ trung bình là 21% trong suốt khoảng thời gian đó. Bên cạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dựa trên những đầu tư dẫn dắt bởi chính phủ, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở hạ tầng và điều này cũng dẫn đến những rủi ro lớn theo như một vài nhà phân tích. Các gói kích thích kinh tế và tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng nhà nước trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế đã giúp Trung Quốc có đủ sức mạnh vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên việc cho vay quá nhiều cũng góp phần vào việc tăng sức ép lạm phát và thị trường bất động sản tăng cao trong khi chính phủ đang cố gắng làm giảm nhiệt. Victor Shih, một giáo sư cộng tác tại đại học Northwestern University chuyên nghiên cứu về kinh tế chính trị của Trung Quốc cho rằng, một phần quan trọng trong tổng số 1.6 nghìn tỷ USD cho các công ty điều hành bởi các chính phủ địa phương vay chắc chắn sẽ góp phần làm tăng tổng nợ xấu của nước này và đem đến rủi ro cho các ngân hàng nhà nước, và tiếp theo là cả nền kinh tế. Ông cũng cho rằng chi phí của việc này là rất lớn và Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh cơ cấu vốn các ngân hàng của nó trước khi phần lớn các nợ xấu này sẽ xuất hiện trong các bản cân đối tài chính. Những đề án cơ sở hạ tầng hiệu quả rõ ràng đã dẫn đến việc tăng lương lan rộng toàn Trung Quốc, và do đó tiêu thụ trong nước cũng nhiều hơn. Sự bùng nổ các đường cao tốc và đường ray xe lửa ở các thành phố trong nội địa trung tâm cũng có nghĩa là các công ty đang vận hành nhiều nhà máy ở các khu vực này, nơi chi phí thấp hơn. Công nhân ở khu vực trong đất liền đang hi vọng lương sẽ tăng với tỉ lệ tương đương so với tỉ lệ tăng ở vùng duyên hải, thậm chí là với tỉ lệ cao hơn. Vể mặt lý thuyết, nhiều nhân công sẽ không còn phải di chuyển về phía miền duyên hải và sự tiêu dùng ở khu vực nội địa sẽ tăng, dẫn đến tăng trưởng kinh tế đồng đều hơn trên toàn Trung Quốc. Liên Phạm/ Nguyên Bùi

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/v2/Views/Web/MessagesDetail.aspx?catid=201&id=63100&MenuID=1&title=N%E1%BB%81n%20kinh%20t%E1%BA%BF%20Trung%20Qu%E1%BB%91c%20%C4%91ang%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20n%E1%BB%99i