Xen canh các loại cây ngắn ngày trong vườn cây ăn quả

Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất trồng cây ăn quả lâu năm, nhiều hộ dân ở các địa phương đã trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày như rau màu, ngô, sắn... Không chỉ lấy ngắn nuôi dài, nâng cao thu nhập, việc trồng xen canh còn tạo điều kiện cho cây có mối quan hệ cộng hưởng cùng phát triển, cải thiện tính đa dạng về môi trường sinh thái.

Trang trại trồng cây ăn quả tại xã Yên Tâm (Yên Định).

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Trần Xuân Nhạc ở xã Hóa Quỳ (Như Xuân) đã chuyển đổi 4ha đồi trồng keo, cao su sang trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi... Tuy nhiên, đây là các loại cây ăn quả có thời gian cho thu hoạch khá dài, vì vậy để giảm áp lực chi phí sản xuất, ông đã trồng xen canh các loại cây trồng hằng năm như sắn, rau ăn lá... để “lấy ngắn nuôi dài”.

Ông Nhạc cho biết: "Tuy chỉ là khoản thu nhập phụ, nhưng tôi đã dành thời gian để nghiên cứu các đối tượng, tỷ lệ xen canh cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, tôi đã thực hiện chia nhỏ diện tích để canh tác được nhiều loại cây trồng, nhất là các loại rau màu theo mùa dễ trồng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu; không tốn nhiều công chăm bón, lại quay vòng lứa nhanh. Ngoài ra, trồng rau màu xen vườn cây ăn quả còn có lợi ích là các loại cây ăn quả hưởng lợi nước tưới, phân bón dư thừa từ cây rau, phụ phẩm từ rau màu được xử lý vùi xuống đất làm phân bón cho cây ăn quả, khiến đất tơi xốp, hạn chế cỏ dại, tăng độ ẩm, mát bộ rễ.

Nhận thấy bưởi là loại cây ăn quả có chu kỳ phát triển dài từ 4 đến 5 năm, không cho thu hoạch ngay, vốn đầu tư lại khá lớn nên ông Phan Văn Giang ở xã Yên Tâm (Yên Định) đã lựa chọn dứa để trồng xen canh cùng bưởi. Giải thích về sự lựa chọn này, ông cho biết: Dứa là loại cây chỉ cần trồng 1 lần cho thu hoạch liên tiếp 2 đến 3 vụ quả, dễ tiêu thụ, phù hợp với đồng đất, điều kiện tự nhiên tại địa phương. Khi trồng cần chú ý đến mật độ trồng xen dứa trong vườn, cách gốc bưởi khoảng từ 3 đến 3,5m để không bị cạnh tranh ánh sáng với cây bưởi. Bên cạnh đó, người trồng cần cải tạo đất, chia luống phù hợp và chú ý tỉa cành cây ăn quả bị sâu bệnh, thu dọn và vệ sinh vườn sạch sẽ để tạo thông thoáng giúp diện tích sản xuất dứa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu, bệnh gây hại. Trồng xen canh cây ăn quả với dứa có thể giảm lượng phân bón đáng kể, hạn chế cỏ dại mọc, vừa chống xói mòn đất, đồng thời giữ lại được lượng phân đã bón trong đất...

Hiện nay phương pháp trồng xen canh cây ngắn ngày trong vườn cây ăn quả không còn xa lạ với người dân, nhất là tại các địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn như Thạch Thành, Thọ Xuân, Như Xuân... Tuy mô hình không mới, nhưng hình thức lấy ngắn nuôi dài này đã tận dụng diện tích đất trống tạo ra thu nhập ổn định trong thời gian cây ăn quả chưa cho thu hoạch. Việc trồng xen canh còn tạo ra một số hiệu quả cải tạo đất như giúp che phủ mặt đất trong thời gian cây ăn quả đang trong giai đoạn sinh trưởng, giúp chống xói mòn, diệt cỏ dại, góp phần cải tạo đất, tăng nguồn đạm trong đất; giúp quản lý dịch bệnh gây hại tốt hơn, giúp người dân mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tuy nhiên, để việc trồng xen canh hiệu quả, người dân nên chú ý đến khoảng cách giữa các cây trồng, tạo điều kiện cho cây phát triển một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, lưu ý về thổ nhưỡng, đặc tính của từng loại cây ăn quả để lựa chọn các loại cây trồng xen canh phù hợp với cây trồng chính, nhất là cây trồng xen với cây chính không có cùng loại sâu bệnh nguy hiểm, vì bệnh của cây này sẽ lan qua cây khác làm hại lẫn nhau...

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xen-canh-cac-loai-cay-ngan-ngay-nbsp-trong-vuon-cay-an-qua-212722.htm