Nền kinh tế chững lại, người trẻ Trung Quốc vẫn đổ tiền vào ăn uống

Ngành dịch vụ ăn uống tại Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng chóng mặt, trong bối cảnh người lao động trẻ ngày càng có xu hướng tìm tới các nhà hàng sang trọng.

Thương chiến giữa Bắc Kinh và Washington đang ở giai đoạn cao trào, gây tác động tiêu cực làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Thế nhưng, người tiêu dùng Trung Quốc không để cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, hay dấu hiệu u ám của nền kinh tế, ảnh hưởng đến thú vui ăn uống của mình.

Bùng nổ dịch vụ ăn uống tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục, ngành ẩm thực được dự đoán sẽ đạt mức 1.000 tỷ USD trong năm 2020 nếu tiếp tục đà tăng trưởng hiện nay. Như thế, Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ, tính riêng trong ngành ẩm thực, để trở thành thị trường lớn nhất thế giới.

Bùng nổ dịch vụ ăn uống

Động lực cho sự tăng trưởng hiện nay đó là sự gia tăng nhanh chóng của giới lao động trẻ sử dụng dịch vụ tại các nhà hàng hay giao nhận đồ tại nhà. Jacky Wong, phụ trách mảng dịch vụ của Deloitte chi nhánh Trung Quốc, cho biết thế hệ sinh sau năm 1990 hiện chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho ngành dịch vụ ẩm thực.

Những nhà hàng tại Bắc Kinh thường xuyên kín chỗ. Ảnh: SCMP.

"Họ thường làm việc ngoài giờ, thức khuya và vì vậy đòi hỏi sự hài lòng, giải trí và xu hướng sống thời thượng. Nhà hàng, các khu vực dành riêng cho ăn uống, hay dịch vụ giao nhận thực phẩm đang trở thành lựa chọn số một", Wong cho biết.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc trong tháng 7 cho thấy doanh thu từ dịch vụ ăn uống nửa đầu năm 2019 tăng 9,4%, mức tăng tương tự năm 2018. Thực phẩm và đồ uống chiếm 11,2% doanh thu bán lẻ tính trong toàn bộ hàng hóa tiêu dùng ở nước này.

Theo Neil Wang, Chủ tịch tập đoàn tư vấn Frost & Sullivan, ngành dịch vụ ăn uống tại Trung Quốc sẽ đạt giá trị 927 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi đó, Hiệp hội Nhà hàng Mỹ dự đoán chi tiêu tại nhà hàng của người Mỹ đạt 863 tỷ USD trong năm 2019.

Trong bối cảnh thị trường ăn uống tại Trung Quốc đang bùng nổ, các công ty ẩm thực Hong Kong cũng đang tìm cách xâm nhập thị trường đại lục, khi các điều kiện kinh doanh ngày càng trở nên khốc liệt tại đặc khu hành chính này.

Café de Coral, chuỗi nhà hàng thuộc sở hữu của công ty gia đình có tuổi đời hơn 50 năm, hiện có 85% doanh thu đến từ thị trường Hong Kong. Tuy nhiên, doanh thu tại Hong Kong của thương hiệu này đã 2 năm không thay đổi, trong khi doanh thu từ đại lục đã tăng 7% cùng thời kỳ. Café de Coral đang mở rộng mạng lưới nhà hàng tại đại lục, với 20 cơ sở mới dự kiến khai trương trong năm 2020.

Cơ hội kiếm tiền

Sự tăng trưởng của các chuỗi nhà hàng tại Trung Quốc đang tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới, và giúp những người sáng lập trở nên cực kỳ giàu có.

"Dường như sẽ có nhiều chuỗi nhà hàng Trung Quốc đang tìm cơ hội để được niêm yết trên sàn chứng khoán. Dù thị trường ăn uống Trung Quốc đã đạt gần 600 tỷ USD trong năm 2018, chưa có nhiều công ty được lên sàn", ông Wang cho biết.

Tháng 9/2018, thương hiệu lẩu Haidilao lần đầu được niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ đó tới nay, cổ phiếu Haidilao đã tăng giá gấp đôi, giúp chuỗi nhà hàng lẩu có trụ sở Bắc Kinh giờ có vốn hóa thị trường đạt khoảng 2 tỷ USD. Người sáng lập Haidilao, ông Zhang Yong, có tài sản được Forbes ước tính khoảng 13,8 tỷ USD.

Đầu bếp trổ tài trong một nhà hàng Haidilao. Ảnh: SCMP.

Xiabuxiabu Catering Management, thương hiệu được niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, đang đi trên con đường gần tương tự với Haidilao. Xiabuxiabu nổi tiếng với lẩu Shabu-Shabu được thương nhân Ho Kuang Chi đưa từ Đài Loan tới đại lục năm 1998.

Năm 2018, doanh thu của Xiabuxiabu đạt 664 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với Haidilao. Tuy nhiên, doanh thu của thương hiệu này đã tăng 30% trong một năm, và gần gấp đôi trong giai đoạn 2014-2018, trong khi lợi nhuận cận biên giữ ổn định ở mức 10%.

Tập trung vào khả năng sinh lời, vốn là yêu cầu cốt lõi của kinh doanh nhà hàng, có thể mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội để hưởng trái ngọt trong bối cảnh ngành dịch vụ ăn uống tại Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

"Có quá nhiều sự vận động, và vì vậy có nhiều lý do khiến người kinh doanh phải chi tiền. Kiểm soát được những chi phí như vậy giúp người kinh doanh hiểu rõ được doanh nghiệp của mình", Ivan Fernie, doanh nhân hiện sở hữu 7 nhà hàng tại Trung Quốc, cho biết.

Sự mở rộng nhanh chóng của Haidilao và Xiabuxiabu sẽ đẩy các hệ thống cửa hàng này tới giới hạn. Sử dụng tiền từ các đợt phát hành cổ phiếu, Haidilao đã tăng số nhà hàng của thương hiệu này từ 273 lên 466 cơ sở. Năm 2018, Xiabuxiabu đã mở 195 cơ sở mới, tăng tổng số nhà hàng của thương hiệu này là 934.

Ông Wang cho biết chi phí tăng cùng sự mở rộng đòi hỏi các chuỗi nhà hàng phải tìm cách được niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc tìm kiếm các khoản đầu tư mới, để có thể nâng cấp khả năng vận hành.

Trong khi đó, Jacky Wong cho rằng sự thành công của Haidilao và Xiabuxiabu xuất phát từ khả năng nắm giữ được chuỗi cung ứng dựa trên số liệu và kiểm soát chất lượng của sản phẩm tại hàng trăm cơ sở riêng lẻ.

Duy Anh
Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nen-kinh-te-chung-lai-nguoi-tre-trung-quoc-van-do-tien-vao-an-uong-post990309.html