Nâng cao nhận thức về bệnh hen suyễn

Ngày hen toàn cầu năm 2024 được tổ chức vào ngày 7/5. Tổ chức Toàn cầu phòng, chống hen phế quản đã chọn chủ đề 'Trao quyền giáo dục về bệnh hen suyễn' nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống bệnh hen suyễn và những gánh nặng của bệnh.

Hen suyễn thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, bệnh có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc… Bệnh có thể tái lại nhiều lần, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa, diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh hen suyễn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến về chẩn đoán, điều trị và dự phòng hen ở trẻ em. Bác sỹ Vũ Lê Thủy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trực tiếp tư vấn, giải đáp những thắc mắc của người dân, đồng thời tuyên truyền các biện pháp dự phòng, cách chăm sóc, điều trị trẻ bị mắc hen phế quản.

Tham gia chương trình tư vấn, người dân được cập nhật nhiều kiến thức về bệnh hen phế quản, từ đó nâng cao hiểu biết, góp phần phòng, trị bệnh hiệu quả hơn. Hen phế quản là bệnh nguy hiểm nếu không được chẩn đoán, điều trị, dự phòng sớm. Bệnh hen phế quản thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong trường hợp trẻ bị hen, gia đình không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc nam, bởi có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận của trẻ. Việc phát hiện, điều trị dự phòng sớm hen suyễn có ý nghĩa rất lớn trong việc kiểm soát cơn hen phế quản, giúp trẻ có thể có cuộc sống bình thường. Khi trẻ có các dấu hiệu như ho, đặc biệt là ho về đêm, ho hoặc khò khè sau khi tập thể dục, chạy nhảy; khò khè theo mùa, khi thời tiết thay đổi hoặc khi tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật... phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sỹ chẩn đoán và điều trị.

Nhiều năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã đưa phương pháp cấy chỉ vào điều trị nhiều bệnh mạn tính về đường hô hấp, trong đó có bệnh hen phế quản. Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng bệnh nhân mắc hen sẽ được bác sỹ cho sử dụng những bài thuốc với nhiều vị thuốc bổ, như cát cánh, bách bộ, ô tử, bán hạ chế, đương quy, nhục quế, trần bì, cam thảo...

Đầu năm 2024, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã triển khai Phòng Cấy chỉ điều trị dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Thầy thuốc ưu tú, bác sỹ Quách Tuấn Vinh, nguyên Chủ nhiệm Quân y Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng, Giám đốc Trung tâm Cấy chỉ Minh Quang. Nhiều người đã đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để được chuyên gia y tế trực tiếp điều trị. Các bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện cũng thường xuyên được tham gia tập huấn, cập nhật kỹ thuật mới, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Với vị thế là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh về y học cổ truyền, bác sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền đã tập huấn lâm sàng, chuyển giao dịch vụ kỹ thuật cấy chỉ cho Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa và Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, giúp nâng cao năng lực điều trị bằng y học cổ truyền cho các đơn vị tuyến huyện.

Theo lời khuyên của bác sỹ Nguyễn Hương Sen, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, người mắc hen suyễn cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, tái khám định kỳ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường khói bụi, vệ sinh môi trường sống thoáng khí, sạch sẽ; không nên tiếp xúc với vật nuôi trong nhà; giữ ấm cho cơ thể, tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-benh-hen-suyen-post383778.html