Nâng cao nhận thức phòng chống bệnh không lây nhiễm cho cộng đồng

Cùng với những nỗ lực kiểm soát bệnh truyền nhiễm, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tích cực triển khai các chương trình hành động nhằm góp phần kiểm soát sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.

Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp cho người dân tại cộng đồng -Ảnh: P.T

Bệnh không lây nhiễm hay còn gọi là bệnh mạn tính là các bệnh không lây truyền, phát triển và tiến triển chậm kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí diễn ra suốt cả cuộc đời. Theo đó, các bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất bao gồm: ung thư, tâm thần; tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh không lây nhiễm hiện nay đang được xem là thách thức với toàn cầu và là gánh nặng lớn đối với toàn xã hội trong vấn đề bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tại Quảng Trị, số liệu thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ( KSBT) cho thấy, toàn tỉnh có gần 23.000 bệnh nhân tăng huyết áp (THA), trong đó có gần 18.200 bệnh nhân được quản lý điều trị và gần 5.100 bệnh nhân trong số này đạt được mục tiêu điều trị. Có gần 5.500 bệnh nhân mắc đái tháo đường (ĐTĐ), trong đó có hơn 4.200 bệnh nhân được quản lý điều trị và 741 bệnh nhân điều trị đạt mục tiêu. Số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) là gần 1.200 người và gần 3.800 bệnh nhân ung thư, tâm thần các thể.

Với số lượng lớn người dân mắc các bệnh không lây nhiễm, cùng với ngành y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều kế hoạch góp phần kiểm soát trong cộng đồng. Một trong số đó là chương trình tập huấn, truyền thông phòng chống bệnh không lây nhiễm và khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng được triển khai trong các năm qua. Từ hoạt động khám sàng lọc, trong 3 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện thêm 331 bệnh nhân THA, 39 bệnh nhân ĐTĐ, 6 bệnh nhân mắc BPTNMT, 57 bệnh nhân tâm thần và ung thư để đưa vào quản lý, điều trị.

Bà Nguyễn Thị Hồng ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt cho biết: “Tôi bị bệnh tăng huyết áp gần chục năm nay nhưng sức khỏe hiện nay vẫn ổn. Từ khi tình cờ phát hiện bị bệnh, tôi được cán bộ y tế tư vấn cần uống thuốc điều trị, từ đó đến nay tôi luôn uống thuốc đều đặn vào mỗi buổi sáng. Huyết áp của tôi do đó được kiểm soát khá ổn định. Theo hướng dẫn của cán bộ y tế, tôi thường kiểm tra huyết áp, nhất là những khi thấy khó chịu trong người. Nhờ tích cực làm theo các hướng dẫn đó mà tôi không gặp các biến chứng nguy hiểm do bệnh THA gây ra”.

Tuy nhiên, hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm hiện nay đang gặp những trở ngại do tỉ lệ bệnh nhân được quản lý điều trị chưa đạt và nhận thức của cộng đồng về bệnh không lây nhiễm chưa cao. Trong đó, nhiều người còn chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ về sự nguy hại và hậu quả nặng nề của bệnh không lây nhiễm gây ra. Đây được xem là rào cản lớn nhất cho những nỗ lực trong hoạt đông phòng chống bệnh không lây nhiễm. “Các bệnh không lây nhiễm hiện được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nước ta, chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân.

Ở tỉnh ta, số người mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, nhất là tỉ lệ người dân mắc bệnh THA và độ tuổi mắc bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hầu hết các bệnh không lây nhiễm phổ biến đều có chung các yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống. Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia sẽ phòng được nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể có thể phòng ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường týp II và trên 40% các bệnh ung thư”, bác sĩ Đỗ Thị Ý Nhi, Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị chia sẻ.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng được đánh giá là vấn đề then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu của hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm. Do đó, bên cạnh việc tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý, điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm thì người dân có thể chủ động phòng chống bệnh thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như từ bỏ việc hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực. Cũng theo bác sĩ Đỗ Thị Ý Nhi , thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Trung tâm KSBT tỉnh sẽ tập trung triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng chống bệnh không lây nhiễm. Trong đó, chú trọng tập huấn kiến thức cho nhóm đối tượng ở các tổ chức hội, đoàn thể… tại các địa phương để lấy đó làm hạt nhân tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người dân chủ động phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167338&title=nang-cao-nhan-thuc-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-cho-cong-dong